slogan
Tìm kiếm
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 24/7 – 31/7/2016)
Ngày cập nhật 03/08/2016

Hơn 6,6 tỷ đồng nạo vét cửa biển Lạch Giang; Hơn 6 tỷ đồng chỉnh lý, số hóa và tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ lịch sử trước năm 1975; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ đi công tác; Kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2017; Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải khách du lịch trên Sông Hương; Tổ chức Hue Help (Anh) hỗ trợ 450 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 24/5/2016 của Tỉnh ủy… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 24/7 – 31/7/2016).

Hơn 6,6 tỷ đồng nạo vét cửa biển Lạch Giang

UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nạo vét, gia cố khắc phục tình trạng bồi lấp cửa biển Lạch Giang, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) với tổng mức đầu tư 6,62 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 3 năm, nhằm đảm bảo an toàn cho hơn 160 tàu thuyền của người dân xã Lộc Vĩnh ra vào đánh bắt thủy hải sản, neo đậu tàu thuyền tránh trú bão và đảm bảo tiêu thoát lũ sông Lạch Giang.

Theo đó, dự án sẽ tiến hành nạo vét, khơi thông cửa biển với chiều dài tuyến 625m; kè gia cố bờ tả hạn chế xói lở; xây dựng mỏ hàn chắn cát dọc theo tuyến nạo vét từ cuối kè bờ tả ra phía biển để bảo vệ và hạn chế cát do sóng từ biển đưa vào gây tái bồi lấp cửa biển.

Khu vực cửa biển Lạch Giang có khoảng 160 tàu thuyền các loại thường xuyên ra vào sông lạch Giang để đánh bắt thủy sản và neo đậu trú tránh bão. Tuy nhiện, hiện nay cửa biển Lạch Giang đang bị bồi lấp nghiêm trọng, chiều rộng của cửa biển chỉ còn lại khoảng 7-10m, tàu thuyền ra vào rất khó khăn, trong năm 2015 đã có 73 tàu thuyền của ngư dân bị ảnh hưởng, hư hỏng. Do đó việc nạo vét khơi thông cửa biển đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản và tàu thuyền của người dân khi ra vào cửa biển, đặc biệt trong mùa mưu bão, giúp ngư dân ổn định tâm lý mỗi khi ra vào cửa biển là rất cần thiết.

 

Hơn 6 tỷ đồng chỉnh lý, số hóa và tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ lịch sử trước năm 1975

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Chỉnh lý, số hóa và tu bổ, phục chế tài liệu lưu trữ lịch sử trước năm 1975 tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế ”.

Theo đó, dự án sẽ thực hiện sắp xếp, chỉnh lý tổng số 25,5 mét giá tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; số hóa 1.545.000 tờ tài liệu lưu trữ đang bảo quản tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; tiến hành tu bổ, phục chế 132.300 tờ tài liệu đã xuống cấp tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, thực hiện từ năm 2016 - 2020.

Dự án nhằm mục tiêu tổ chức phân loại khoa học, xác định giá trị, lựa chọn, bảo quản an toàn tài liệu; tăng cường công tác bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ phục vụ cho việc quản lý, khai thác thông tin tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh. Giúp cho việc quản lý, cung cấp, tổng hợp các thông tin phục vụ cho yêu cầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân có nhu cầu cung cấp thông tin của các hồ sơ gốc đang lưu giữ tại Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh; giảm thiểu sự xuống cấp về mặt vật lý và hoá học của tài liệu gốc do phải lưu thông thường xuyên trong quá trình khai thác, sử dụng và các tác động của điều kiện tự nhiên; tiến tới việc chuyển phương thức hoạt động của lưu trữ truyền thống sang lưu trữ hiện đại; thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nướ, tạo điều kiện phục vụ nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác và đảm bảo chất lượng, đồng thời thông qua việc cung cấp thông tin được đầy đủ, kịp thời phục vụ cho việc quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.

 

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ đi công tác

Này 30 tháng 7 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Công văn số 4488/UBND - KH gửi các sở, ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ đi công tác.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khi có kế hoạch đi công tác ngoài tỉnh phải kiểm tra, cân nhắc chương trình, kế hoạch hoạt động của UBND tỉnh và mức độ quan trọng của nội dung công việc cần đi để quyết định việc trực tiếp đi hoặc cử cán bộ công chức đi cho phù hợp, tránh việc trực tiếp đi công tác ngoài tỉnh vào thời gian có kế hoạch họp và các hoạt động quan trọng của tỉnh. Phải có văn bản báo cáo, xin phép gửi đến UBND tỉnh trước ít nhất 2 ngày làm việc so với ngày dự kiến đi công tác (trường hợp cấp bách thì trực tiếp xin phép Chủ tịch UBND tỉnh trước, gửi văn bản sau).

Văn bản báo cáo, xin phép đi công tác phải nêu rõ sự cần thiết phải trực tiếp đi công tác mà không thể giao hay ủy quyền cấp phó hoặc cán bộ dưới quyền đi thay, nội dung chương trình và thời gian của chuyến công tác (kèm theo văn bản liên quan như giấy mời, văn bản triển khai công việc của cơ quan hoặc nội dung cần thiết phải làm việc với bộ ngành liên quan đến công việc của tỉnh). Chỉ được đi sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh, phải đảm bảo sắp xếp công việc và cử cấp phó chịu trách nhiệm phụ trách công việc chung của cơ quan, đơn vị trong thời gian đi công tác. Không đi quá thời gian đã cho phép của UBND tỉnh.

Sau khi kết thúc chuyến công tác phải có văn bản báo cáo kết quả đi công tác hoặc kết quả đối với công việc thực hiện theo phân công, chỉ đạo của UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

 

Kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2017

100% huyện, thị xã và thành phố Huế được công nhận đạt chuẩn PCGDTH mức độ 3; mỗi đơn vị có ít nhất 90% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; huy động từ 60% trở lên số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục đó là chỉ tiêu của Kế hoạch phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2017 vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 28/7/2016.

Một số nhiệm vụ và giải pháp chính nhằm đạt được mục tiêu đề ra đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân và các tổ chức về công tác PCGDTH; đẩy mạnh việc huy động học sinh đến lớp đúng độ tuổi, hạn chế lưu ban, bỏ học; huy động trẻ khuyết tật trong độ tuổi được tiếp cận giáo dục. Thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học. Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trường tiểu học. Xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học. Tăng cường quản lý chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, của ban chỉ đạo phổ cập các cấp…

 

Triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy

Ngày 27/7/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công văn số 4388/UBND - KH yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, bám sát Chương trình hành động số 06-Ctr/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 111/KH-UBND của UBND tỉnh; định kỳ hàng quý, 06 tháng, năm có báo cáo kết quả thực hiện cụ thể gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh để theo dõi và tổng hợp theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, bám sát Kế hoạch 111/KH-UBND của UBND tỉnh để thực hiện việc báo cáo theo quy định.

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động vận tải khách du lịch trên Sông Hương

Để chấn chỉnh, xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập trong hoạt động đón trả, khách, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách tham quan du lịch trên sông Hương, ngày 27 tháng 7 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công văn số 4385/UBND-GT yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức rà soát các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa trên Sông Hương, bao gồm: phương tiện, bến, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển khách; lập danh sách cụ thể và thông báo công khai rộng rãi những tổ chức, cá nhân đảm bảo và không đảm bảo điều kiện hoạt động tại các bến khách, đơn vị lữ hành, khách sạn…; có hình thức cảnh báo phù hợp để người dân và du khách biết, tránh sử dụng các dịch vụ vận tải khách không đảm bảo an toàn theo quy định, núp bóng dưới hình thức “thuyền chui”, “bến chui”. Chỉ đạo phòng Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định;

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thiết lập và công khai rộng rãi số điện thoại đường dây nóng tại bến thuyền, trên các phương tiện vận tải khách, các địa điểm phù hợp, thuận lợi để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời các phản ánh của người dân và du khách.

UBND thành phố Huế chỉ đạo và gắn trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo UBND cấp phường dọc hai bên sông Hương tăng cường công tác giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời cho các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm điều kiện an toàn kỹ thuật, đón, trả khách sai quy định.

 

Tổ chức Hue Help (Anh) hỗ trợ 450 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 1732/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016 về việc phê duyệt tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại “Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế” do Hue Help (Anh) tài trợ với tổng vốn dự án là 450.600.000 VNĐ. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại là 450.600.000 VNĐ.

Các hoạt động chính của dự án là hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng và hướng nghiệp cho 33 trẻ em mồ côi tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời gian thực hiện dự án là 3 năm (2016 – 2018).

Tại Quyết định này, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện dự án, tuân thủ các chế độ quản lý tài chính, xác nhận viện trợ, hạch toán ngân sách đối với khoản viện trợ nước ngoài trực tiếp cho đơn vị.

 

Kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 24/5/2016 của Tỉnh ủy

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Phấn đấu xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đến năm 2020, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đó là mục tiêu của Kế hoạch (số 111/KH-UBND) triển khai Chương trình hành động số 06-Ctr/TU ngày 24/5/2016 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế vừa được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2016.

Để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phân công các cơ quan chủ động phối hợp với sở, ban ngành và địa phương liên quan theo dõi thực hiện các chỉ tiêu và các chương trình trọng điểm; đồng thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể đối với các chương trình: chương trình phát triển du lịch, dịch vụ; chương trình phát triển công nghiệp; chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng; chương trình phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ; chương trình bảo đảm an sinh xã hội; chương trình bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại gắn với phát triển kinh tế; chương trình xây dựng bộ máy nhà nước và cải cách hành chính; chương trình xúc tiến đầu tư.

Theo đó, đối với chương trình phát triển du lịch, dịch vụ, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là nâng cao hiệu quả các hoạt động du lịch, dịch vụ. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch; làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống - du lịch “di sản”; đầu tư khai khai thác tuyến du lịch sinh thái biển - đầm phá; phát triển du lịch tàu biển. Đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế theo hướng tách riêng chức năng quản lý và chức năng kinh doanh, khai thác dịch vụ theo hướng thành lập công ty hoặc thực hiện xã hội hóa. Xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thiết thực. Tập trung kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành lớn đến Thừa Thiên Huế. Cải thiện môi trường du lịch. Duy trì hoạt động chấn chỉnh môi trường du lịch. Hình thành bộ phận đầu mối tiếp nhận và xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh của người dân và khách du lịch về bất cập trong môi trường du lịch.

Đối với chương trình phát triển công nghiệp, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao để tạo bước đột phá, tăng nguồn thu ngân sách. Khuyến khích, vận động đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sạch. Phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghệ y học cao cấp, công nghệ dược liệu. Triển khai cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Phát triển công nghiệp dệt - may phù hợp để giải quyết lao động, việc làm, từng bước hình thành trung tâm Dệt may của miền Trung. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; xây dựng hoàn thiện các cụm công nghiệp nhỏ và vừa…

Đối với chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung hướng chăn nuôi gia trại và trang trại.

Đối với chương trình phát triển đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng, nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; tập trung huy động nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư hệ thống giao thông đối ngoại và đối nội. Nâng cấp, chỉnh trang đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, trung tâm các huyện và các đô thị mới. Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng du lịch, các khu dân cư tập trung, hạ tầng phục vụ tái định cư và khu vực nông thôn theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xây dựng các khu đô thị kiểu mẫu; đầu tư các khu đô thị mới, ưu tiên kêu gọi vào Khu đô thị An Vân Dương theo hướng hoàn chỉnh từng cụm đô thị, tạo sức hút và lan tỏa phát triển đô thị. Đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hệ thống hạ tầng viễn thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải, cây xanh, điện chiếu sáng.

Đối với chương trình phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học - công nghệ, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh mang đậm bản sắc Huế. Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, Thành phố Văn hoá ASEAN, Thành phố Xanh quốc gia. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy các di sản và các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, y tế. Huy động vốn vay để tập trung công tác giải tỏa tái định cư và trùng tu di tích. Xã hội hóa trong trùng tu, bảo tồn và khai thác di tích Cố đô Huế. Đầu tư phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Phát triển Đại học Huế theo định hướng trở thành Đại học quốc gia. Đầu tư, hoàn thiện đồng bộ các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu. Đầu tư xây dựng các thiết chế của Trung tâm y tế chuyên sâu miền Trung. Tiếp tục đầu tư đồng bộ Bệnh viện Trung ương Huế trở thành trung tâm y học cao cấp; xây dựng Trường Đại học Y Dược Huế để trở thành Đại học trọng điểm về đào tạo nguồn nhân lực y tế và liên kết đào tạo quốc tế. Đầu tư hoàn thiện các trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Phát triển thành phố Huế theo mô hình thành phố thông minh...

Đối với chương trình bảo đảm an sinh xã hội, nhiệm vụ trọng tâm được xác định đó là nâng cao mức sống cho người có công. Thực hiện tốt các chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Ưu tiên hỗ trợ ng­ười có công và gia đình ng­ười có công về nhà ở, đất sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm để tăng thu nhập, tự vươn lên làm giàu. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Đối với chương trình bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại gắn với phát triển kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm là ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân đi vào chiều sâu, nhất là các địa bàn trọng điểm. Đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc. Gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng và quản lý các công trình quốc phòng, an ninh…

Đối với chương trình xây dựng bộ máy nhà nước và cải cách hành chính, nhiệm vụ trọng tâm được xác định đó là xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp và người dân; tập trung nâng cao vị trí xếp hạng của các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính như PCI, PAPI, PAR INDEX, ICT. Cơ bản hoàn thành và vận hành diện rộng Chính quyền điện tử các cấp theo mô hình: Thông tin, giao tiếp, tương tác, giao dịch và chuyển hóa. Thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh trên cơ sở đưa các bộ phận một cửa của các sở về tập trung tại một đầu mối. Vận hành Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp huyện. Kiện toàn tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hợp lý và vận hành hiệu quả. Đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Trung tâm Festival; tổ chức lại bộ máy xúc tiến đầu tư. Triển khai thực hiện Đề án thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương thuộc các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Đối với chương trình xúc tiến đầu tư, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các dự án FDI, ODA trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, hạ tầng, đô thị... và những lĩnh vực có lợi thế của tỉnh. Thu hút từ 3 - 5 nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn đến đầu tư, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng du lịch Chân Mây; các dự án ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp; các dự án về du lịch, công nghiệp, nông nghiệp; về hạ tầng, đô thị và trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Huế... Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước gắn với danh mục các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện đề án đổi mới công tác xúc tiến đầu tư. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết trong xúc tiến, thu hút đầu tư. Chủ động phối hợp, liên kết với các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước để xúc tiến, thu hút đầu tư có hiệu quả. Thuê chuyên gia nước ngoài làm công tác xúc tiến đầu tư để tiếp cận các tập đoàn, các nhà đầu tư lớn…

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 3.727 khách