slogan
Tìm kiếm
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 21/8 đến ngày 28/8/2016)
Ngày cập nhật 31/08/2016

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y Thừa Thiên Huế; Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới 2016-2017; Hơn 13,1 tỷ đồng đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn; Tổ chức Cứu trợ trẻ em không Cha mẹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020; Tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 21/8 đến ngày 28/8/2016).

Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y Thừa Thiên Huế

 

UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Đề án "Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành Thú y Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2016 - 2020" với kinh phí thực hiện gần 27 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu của Đề án là nâng cao năng lực ngành Thú y về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức và năng lực quản lý nhà nước, đáp ứng công tác phát triển chăn nuôi bền vững, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản hiệu quả; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; cung cấp thực phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng; bảo vệ sức khỏe nhân dân và môi trường sinh thái.

Đề án đưa ra 6 nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Củng cố tổ chức, nâng cao năng lực trình độ của cán bộ trong ngành đáp ứng với nhiệm vụ trong điều kiện hội nhập, trong đó tập trung bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ kiêm nhiệm nhiệm vụ thú y Thủy sản và các lĩnh vực (giống vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm, thanh tra pháp chế, chẩn đoán xét nghiệm, dịch tễ học); nâng cao năng lực cho lực lượng Thú y cơ sở. Tăng cường cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, cải cách hành chính; tăng cường năng lực chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật; tăng cường quản lý nhà nước về giống vật nuôi và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi giết mổ, kinh doanh, vận chuyển thịt gia súc, gia cầm.

 

Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới 2016-2017

Ngày 26 tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công văn số 5110/UBND-GT gửi các sở, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương về việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong thời gian Lễ Quốc khánh 2/9 và khai giảng năm học mới 2016-2017.

Theo đó, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và Lễ khai giảng năm học mới 2016-2017 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1502/CĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn các công trình, kết cấu hạ tầng giao thông; chỉnh trang, khắc phục các vị trí mặt đường bị hư hỏng, sạt lở có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Chỉ đạo các cơ quan quản lý đường bộ kiểm tra, lắp đặt bổ sung biển báo, đèn tín hiệu, thiết bị cảnh báo tại các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố; đặc biệt là tại các đoạn tuyến vừa khai thác vừa thi công (các cầu trên QL1, QL49A, QL49B, đường La Sơn – Nam Đông, các tuyến đường thuộc dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế). Chỉ đạo Thanh tra giao thông ưu tiên lực lượng tuần tra trên tuyến Quốc lộ 1, các tuyến đường đang thi công có mật độ lưu thông cao; yêu cầu các Chủ đầu tư, các đơn vị thi công thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo giao thông, an toàn giao thông; thực hiện công tác thu gom, hoàn trả mặt bằng đảm bảo giao thông trước khi tạm ngừng thi công. Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý chất lượng và an toàn giao thông đối với các phương tiện vận tải hành khách; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, bến tàu, phà... có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm thiểu tình trạng ùn tắc, chậm, huỷ chuyến; đổi mới phương thức bán vé và kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định. Thường xuyên theo dõi quản lý tốc độ và thời gian làm việc của lái xe thông qua thiết bị GSHT; kiên quyết xử lý triệt để xe dù, bến cóc, đặc biệt xe khách núp bóng open tuor, xe du lịch, xe chạy hợp đồng để bán vé cho hành khách đi tuyến cố định. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông; kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết, khắc phục các sự cố, tai nạn, vướng mắc xảy ra.

Công an tỉnh tập trung triển khai tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện, kịp thời giải quyết các sự cố, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là những vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai phần đường, làn đường, chở hành khách, hàng hoá quá tải trọng quy định, sử dụng phương tiện quá niên hạn, quá thời gian kiểm định... Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực trường học, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong ngày diễn ra Lễ khai giảng năm học mới 2016-2017. Tăng cường kiểm tra hoạt động giao thông đường thủy tại các bến khách ngang sông, hồ, đầm phá; cương quyết đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm các bến khách, phương tiện không bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật, không có đủ trang bị, dụng cụ cứu sinh, cứu hộ, người lái thuyền vi phạm các quy định về người điều khiển phương tiện thủy nội địa. Phối hợp lực lượng liên ngành tiếp tục triển khai thực hiện việc kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ 24/24 giờ tất cả các ngày (kể cả ngày nghỉ và ngày Lễ).

UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực có số vụ tai nạn giao thông tăng cao trong thời gian qua, các trường học, chợ dọc Quốc lộ 1. Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, đề nghị các nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo giao thông, an toàn giao thông tại các công trình đang thi công, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn quản lý.

Sở Giáo dục - Đào tạo và Đại Học Huế đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông ngay từ đầu năm học mới. Thực hiện biện pháp mạnh ngăn chặn tình trạng học sinh chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đến trường hoặc xe máy điện không đội mũ bảo hiểm. Nghiên cứu, có cơ chế giám sát đối với cán bộ công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, sinh viên vi phạm an toàn giao thông; định kỳ thông báo các trường hợp vi phạm an toàn giao thông về cơ quan, đơn vị, nhà trường để nâng cao hiệu quả giáo dục, ý thức tự giác chấp hành.  

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, chuyên mục tuyên truyền ATGT trong dịp nghỉ Lễ; đưa tin bài về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tình hình tai nạn giao thông để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; đồng thời khuyến cáo các điểm, khu vực, các hành vi có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông để người dân tự giác, có ý thức chấp hành.

Đài Phát thanh và Truyền hình mở chuyên mục An toàn giao thông, định kỳ phát sóng trên các kênh truyền thanh, truyền hình để tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; phản ánh các nguyên nhân chủ quan còn tồn tại, chậm khắc phục; biểu dương gương người tốt, việc tốt và lên án, phê phán các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định về trật tự, an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông; khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông, đặc biệt là đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy. Tổ chức tuyên truyền, vận động khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, hạn chế đi lại bằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là đối với những chuyến đi có cự ly dài, trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn. Đôn đốc các ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường đang thi công, đặc biệt là Quốc lộ 1, các bến xe, bến khách, đò ngang sông.

Công ty TNHH Trùng Phương, Công ty CP Phước Tượng Phú Gia BOT, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 6 trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo các Nhà thầu thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo giao thông, an toàn giao thông đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, cấp phép thi công; dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng công trường tại lối ra vào các trường học, hoàn thành trước ngày 02/9/2016. Trường hợp để xảy ra ùn tắc hoặc gây tai nạn mà nguyên nhân trực tiếp do công tác đảm bảo an toàn giao thông thì Thủ trưởng đơn vị liên quan chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông Dân tỉnh, Hội Cựu Chiến Binh tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia, đồng thời thực hiện việc giám sát theo quy định; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau các kỳ nghỉ Lễ.

 

Hơn 13,1 tỷ đồng đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn

Ngày 25 tháng 8 năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Cầu ngói Thanh Toàn do Ban Đầu tư và Xây dựng thị xã Hương Thủy làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu t­ư dự kiến là 13.190 triệu đồng. Thời gian thực hiện dự án: 03 năm.

Nội dung quy mô đầu tư gồm: Hạ giải công trình, đánh giá cụ thể các cấu kiện, đảm bảo đúng quy chuẩn, quy định và nguyên tắc bảo tồn. Gia cố nền móng công trình. Phục hồi hạng mục với yêu cầu tận dụng tối đa nguyên bản, vật liệu gốc; phương án thiết kế phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng và so sánh, đối chứng, đánh giá với hồ sơ khoa học, bản vẽ kỹ thuật của di tích đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận nhằm bảo tồn các yếu tố gốc gắn liền với công trình (hệ kết cấu khung chính và các cấu kiện không đảm bảo về yêu cầu chịu lực; hệ ván lát sàn; hệ mái lợp ngói âm ống men Thanh Lưu Ly; hệ trang trí bờ mái, bờ nóc, bờ quyết, ô hộc; toàn bộ màu sắc tổng thể công trình; hai câu đối khảm sành sứ ở đầu cầu). Bố trí điện chiếu sáng, trang trí cho công trình.

 

Tổ chức Cứu trợ trẻ em không Cha mẹ hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 1981/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2016 về việc phê duyệt tiếp nhận dự án viện trợ không hoàn lại “Hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em không cha mẹ (ACWP, Hoa Kỳ) tài trợ với tổng vốn dự án là 29.914 USD, tương đương 658.108.000 đồng (vốn viện trợ không hoàn lại là 29.914 USD).

Mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, nâng cao khả năng tự kiếm sống cho trẻ em nghèo, mồ côi có hoản cảnh khó khăn; góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân nghèo của các địa phương hưởng lợi thông qua triển khai các hoạt động dự án.   

Các hoạt động chính của dự án gồm: khám chữa bệnh lưu động; hỗ trợ tiêm phòng vắc xin ngừa viên gan B; phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ khuyết tật; cấp học bổng cho trẻ em nghèo; tổ chức các lớp phụ đạo; hỗ trợ sửa chữa phòng học xuống cấp phục vụ công tác phổ cập tiểu học tại trường tiểu học Phong Chương, huyện Phong Điền; hỗ trợ chi phí cho cán bộ theo dõi tình hình sinh sản của bò cái ở địa phương.

Thời gian thực hiện dự án là 01 năm. Địa bàn thực hiện dự án tại các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Phong Điền và thị xã  Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. 

 

Kế hoạch Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020

Ngày 22/8/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020.

Theo đó, sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt là ở cơ sở, lập kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống.

Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, xã hội, cha mẹ và trẻ em.

Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học theo các chủ đề phù hợp với từng nhóm đối tượng thông qua các phương tiện truyền thông sẵn có tại cộng đồng và thông qua các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, cuộc thi hoặc cung cấp các ấn phẩm truyền thông về phòng, ngừa giảm thiểu lao động trẻ em cho các đối tượng tham gia.

Nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ưu tiên đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Tổ chức đào tạo, tập huấn về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.  

Tập huấn kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật. Hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật thông qua các chính sách hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp. Trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật…

 

Tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh

Để ngăn chặn, tiến tới nhanh chóng giảm thiểu tới mức tối đa các vụ tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra và triển khai có hiệu quả Chương trình 504, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 22 tháng 8 năm 2016 yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách như tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, nhất là các địa bàn thường xảy ra tai nạn bom mìn trong thời gian qua. Tổ chức giáo dục phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật và các hình thức xử lý vi phạm về thu gom, mua bán, tàng trữ, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, các quy định, hướng dẫn có liên quan đến quản lý Nhà nước, phát hiện và xử lý các vi phạm về thu gom, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tăng cường trách nhiệm của các ban ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan, nhất là Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự, công an trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Khi tổ chức tiến hành triển khai thực hiện các đề án phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với việc rà phá bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn nặng gắn với việc bảo đảm an toàn cho nhân dân, đặc biệt là các vùng chiến khu, vùng có chiến sự xảy ra trong chiến tranh, các khu kinh tế, khu vực thường xảy ra tai nạn do bom mìn còn sót lại…

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 3.074 khách