slogan
Tìm kiếm
Xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế: sức mạnh từ sự đồng thuận
Ngày cập nhật 06/09/2016

Kế thừa những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong những năm qua Thừa Thiên Huế tập trung dốc toàn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất ở vùng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn được đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại.

Đồng thuận xã hội quyết định thành công

Một trong những cách làm có tính quyết định đến sự thành công của Thừa Thiên Huế, đó là sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; thu hút các nguồn đầu tư và phát huy sức mạnh từ nhân dân… tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội vì mục tiêu xây dựng nông thôn ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Từ cách làm hay này, vai trò của Mặt trận và đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua nhiều hoạt động, nổi bật là tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp, các nghành và trong các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư do mặt trận các cấp chủ trì đã được thực hiện rộng rãi trên phạm vi toàn tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong nhân dân về đời sống văn hóa, góp phần hình thành lối sống mới, phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trong từng khu dân cư, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trong quá trình xây dựng nông thôn với phương châm dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, các công trình nhỏ như nhà sinh hoạt thôn, đường liên thôn, liên xóm được giao cho cộng đồng dân cư phối hợp thực hiện cùng với vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong hoạt động giám sát cộng đồng đã tạo được sự đồng thuận, đảm bảo an toàn, chất lượng cho các công trình tại nông thôn.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ giúp đỡ xoá nhà tạm, xây nhà tái định cư. Các cấp Hội Nông dân tích cực vận động hội viên tham gia hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình. Hội Phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng hàng trăm tuyến đường thôn, xóm “Không rác, không nước thải”, “Con đường xanh, sạch, đẹp”…, đặc biệt phụ nữ huyện Nam Đông, A Lưới đã xây dựng gần 200 “Hàng rào xanh”. Hội cựu chiến binh đã gương mẫu vận động gia đình, người thân đi đầu trong hiến kế, hiến công, giải tỏa mặt bằng cho xây dựng dự án và đã có hơn 77 ngàn m2 đất thổ cư đã được hiến. Đoàn Thanh niên thực hiện chương trình thanh niên 40 tuyến đường xanh – sạch – đẹp, chỉnh trang 463km hàng rào xanh ở thôn xóm, tổ chức hàng trăm đợt ra quân làm vệ sinh môi trường để thu gom hàng chục tấn rác thải làm sạch đẹp đường làng ngõ xóm. Tính chung trong hơn 5 năm xây dựng nông thôn mới, người dân đã đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 315 tỷ đồng; trong đó có hơn 110 ha đất và hơn 340 ngàn ngày công để xây dựng đường thôn xóm, nhà văn hoá…

Bộ mặt nông thôn ở hầu hết các địa phương đều có sự thay đổi căn bản, toàn diện; điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư hoàn chỉnh. Đặc biệt là đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2015 ước đạt 23,01 triệu đồng, tăng 81,6% so với 2010 (12,6 triệu đồng), tốc độ tăng bình quân đạt 12,8%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh giảm từ 14,9% năm 2010 còn 5,94 % đến cuối năm 2015.

Đến cuối tháng 7/2016 có 20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đạt bình quân 14 tiêu chí/xã, trong đó có 22 xã (21,%) đạt 15-18 tiêu chí, 58 xã (56%) đạt từ 10-14 tiêu chí, 4 xã (4%) đạt 5 – 9 tiêu chí.

Nâng cao thu nhập và ổn định sinh kế vùng nông thôn

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, những tháng còn lại của năm 2016, Thừa Thiên Huế phấn đấu có 7 – 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh từ 27-30 xã.

Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, do vậy cần tập trung cần phải khắc phục ngay những hạn chế trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới cho sát với thực tế. Cần có cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình hỗ trợ có mục tiêu các dự án trên địa bàn nông thôn theo hướng tăng cường phân cấp cho cơ sở. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập, nâng cao sức sản xuất, áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao trong nông thôn. Mặt khác cần có những cơ chế tạo điều kiện có sự tham gia trực tiếp của người dân với vai trò chủ thể. Cần chú ý tới tính chất đa dạng cả về điều kiện sống, tập quán, tài nguyên trong xây dựng các mô hình nông thôn mới, không nên khuôn mẫu áp đặt chung cho tất cả các nơi. Cần tăng cường nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới tương xứng với mục tiêu đề ra, nhất là phải có cơ chế chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để mời gọi được nhiều doanh nghiệp về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là nhân tố quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (đứng) kiểm tra tình hình xây dựng NTM tại thị xã Hương Thủy

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, mục tiêu của toàn tỉnh là đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nên ngay từ bây giờ cần phải có sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở. Các địa phương cần rà soát cụ thể các tiêu chí chưa đạt để đầu tư nguồn lực cho phù hợp và lồng ghép với các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, "Linh hồn" của Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao thu nhập, ổn định sinh kế và giảm nghèo bền vững cho nhân dân vùng nông thôn, nên ngành nông nghiệp phải hết sức quan tâm vấn đề này, nhất là có các giải pháp hỗ trợ cho các địa phương nhằm phát huy vai trò của kinh tế tập thể và hợp tác xã trong việc hỗ trợ đầu vào và bao tiêu sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới cần phải kiểm soát nguồn nợ đã đầu tư trong chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời quan tâm huy động nguồn đầu tư từ sức dân, nhất là tạo điều kiện để khích cầu đầu tư trong nhân dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo cần quyết liệt hơn nữa, cần phải thường xuyên kiểm điểm và đánh giá kết quả đã làm được để nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều và tiêu chí thu nhập - Bí thư Tỉnh ủy lưu ý thêm.

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 499 khách