slogan
Tìm kiếm
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 10/9 – 17/9/2016)
Ngày cập nhật 19/09/2016

Phân bổ hơn 8,6 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Hơn 1,5 tỷ đồng phát triển hàng lưu niệm và quà tặng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016; Đầu tư mở rộng đường tỉnh 9 qua thị trấn Phong Điền; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017; Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp; Kiểm tra, xử lý vấn đề báo nêu: “Bát nháo” các tuyến xe khách ở Thừa Thiên Huế: Bệnh hết thuốc chữa… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 10/9 – 17/9/2016).

Phân bổ hơn 8,6 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định phân bổ 8.610 kg gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho 287 học sinh phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Theo đó, thời gian hỗ trợ là 2 tháng của học kỳ I năm học 2016 – 2017 với định mức hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên tổ chức việc tiếp nhận, phân phối gạo hỗ trợ cho các học sinh kịp thời; hoàn thành trong tháng 9/2016.

Hơn 1,5 tỷ đồng phát triển hàng lưu niệm và quà tặng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016

Ngày 16 tháng 9 năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Kế hoạch (số 140/KH-UBND) phát triển hàng lưu niệm và quà tặng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 nhằm đẩy mạnh phát triển ngành hàng sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thủ công truyền thống và các sản phẩm đặc sản Huế làm hàng lưu niệm và quà tặng; góp phần khôi phục và phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống và đặc sản Huế.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện là 1.527 triệu đồng (trong đó nguồn vốn từ ngân sách là 822 triệu đồng), các hoạt động chính được triển khai đó là đặt hàng các mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống làm hàng lưu niệm và quà tặng (sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng đặt hàng sẽ là những phẩm mô phỏng, cách điệu các công trình kiến trúc, sản phẩm đặc trưng của Thừa Thiên Huế, có thể ứng dụng để sản xuất sản phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau và được chuyển giao cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để sản xuất các sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng phục khách du lịch và thị trường). Thiết kế, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói của các sản phẩm làm hàng lưu niệm và quà tặng. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất thực hiện thiết kế mới và cải tiến mẫu mã các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống làm hàng quà tặng lưu niệm và quà tặng các Hội nghị, Lễ, Tết. Hỗ trợ thiết kế, cải tiến mẫu mã bao bì đóng gói các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản Huế làm hàng lưu niệm và quà tặng. Hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến cho 02-03 cơ sở sản xuất hàng lưu niệm và quà tặng nhằm ứng dụng thiết bị vào các khâu để sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập huấn cho 70 hộ dân kỹ năng xây dựng chiến lược marketing và tiếp cận thị trường tiêu thụ các sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống và đặc sản Huế tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển hàng lưu niệm và quà tặng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp sở ban ngành và các địa phương thẩm định, chọn lựa các mẫu thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống là hàng lưu niệm và quà tặng báo cáo UBND tỉnh và triển khai thực hiện công tác đặt hàng sản phẩm sau khi được UBND tỉnh phê duyệt; Hướng dẫn các đơn vị đăng ký, xây dựng hồ sơ thiết kế mẫu mã sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì đóng gói các sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng; đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị để sản xuất sản phẩm hàng lưu niệm và quà tặng; hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch; Xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, thủ công truyền thống và đặc sản Huế theo nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương.

 

24 tỷ đồng đầu tư mở rộng đường tỉnh 9 qua thị trấn Phong Điền

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9    năm 2016 về việc phê duyệt dự án đầu tư Mở rộng đường tỉnh 9 qua thị trấn Phong Điền đoạn từ QL1A đi nhà máy xi măng Đồng Lâm với tổng mức đầu t­ư là 24.000 triệu đồng nhằm mục tiêu từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị Phong Điền theo quy hoạch, phát triển quỹ đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đó, sẽ mở rộng đường tỉnh 9 qua thị trấn Phong Điền đoạn từ QL1A đi nhà máy xi măng Đồng Lâm với quy mô đầu tư như sau:

Đoạn đầu tuyến (cách QL1A khoảng 237m) đến nút N115 dài 730m: Đầu tư theo mặt cắt ngang quy hoạch: 4,5m+10,5m+6m+10,5m+4,5m = 36m, trong đó: nền đường rộng 36m; mặt đường rộng 2x10,5m = 21m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; dải phân cách rộng 6m; hè đường đắp đất, trồng cây xanh; công trình thoát nước ngang quy mô vĩnh cửu. Vuốt nối vào đường hiện trạng dài 125m.

Đoạn tuyến nối TL9 với đường quy hoạch thị trấn (N115-N114), dài 418m: Đầu tư theo mặt cắt ngang: 4,5m+10,5m+4,5m = 19,5m, trong đó: nền đường rộng 19,5m; mặt đường rộng 10,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; hè đường đắp đất, trồng cây xanh; công trình thoát nước ngang quy mô vĩnh cửu.

Chủ đầu tư là Ban Đầu tư và Xây dựng huyện Phong Điền. Thời gian thực hiện dự án là 03 năm kể từ ngày khởi công.

 

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa có Công văn số5527/UBND-KNPL ngày 13 tháng 9 năm 2016 yêu cầu các cơ quan, địa phương thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến về về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết mang lại.

Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, địa phương chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý trong khi thực hiện nhiệm vụ cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân bằng hình thức phù hợp về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết mang lại để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tảo hôn, hôn nhân cận huyết; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật hôn nhân và gia đình; Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình; Pháp lệnh dân số; Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã... Kết hợp tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng ngừa, xử lý đối với hành vi tảo hôn, hôn nhân cận huyết với tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt trong tuân thủ, chấp hành pháp luật.

Sở Tư pháp tổ chức và hướng dẫn các địa phương tổ chức tập huấn, bồi dưỡngkiến thức pháp luật và những nội dung có liên quan cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hướng dẫn, theo dõi việc lồng ghép các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, chú trọng đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước; hòa giải ở cơ sở.

Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/04/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình, viết tin, bài; gia tăng các hoạt động thông tin, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết bằng hình thức phù hợp, sinh động, tập trung phản ánh những mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra cũng như những hậu quả pháp lý bất lợi đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Sở Y tế tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, huy động mạng lưới cán bộ, cộng tác viên y tế, kế hoạch hóa gia đình tại cơ sở tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kết hợp lồng ghép qua biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hoạt động tư vấn, can thiệp y tế, thực hiện các biện pháp dân số, kế hoạch hóa gia đình trong các chương trình, đề án được phê duyệt (Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - kế hoạch hóa gia đình…) và trong quá trình triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực chuyên môn quản lý.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho các đối tượng gắn với lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý như: Học sinh, sinh viên, học viên trong các nhà trường hoặc trong quá trình xây dựng, triển khai các thiết chế văn hóa tại cơ sở cũng như triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình, viết tin, bài phỏng vấn, phóng sự, thiết lập chuyên trang, chuyên mục để tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin, phản ánh tình hình và mặt trái, hệ lụy, hậu quả do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây ra. 

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế thường xuyên theo dõi,  rà soát về tình hình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; căn cứ tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương, chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra các giải pháp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là các quy định, vấn đề có liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng này; tăng cường quản lý, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và những nội dung có liên quan cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, tổ chức trực thuộc tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho hội viên, thành viên của tổ chức mình, tham gia tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân; tích cực vận động, giáo dục, thuyết phục hội viên, thành viên và nhân dân tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình, giám sát, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017

Để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, ngày 13 tháng 9 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 23/CT-UBND yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có các giải pháp giải quyết các khó khăn, đảm bảo huy động học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, góp phần thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên; đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên. Chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa ứng xử trong nhà trường; đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường và tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng bơi lội cho học sinh để phòng, chống đuối nước. Triển khai có hiệu quả chủ trương xã hội hóa về xây dựng bể bơi di động và dạy bơi lội cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Phối hợp chỉ đạo các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố Huế sớm ổn định về các điều kiện để đi vào hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân học tập liên tục, suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông ở trong và ngoài nhà trường. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; từng bước triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông đào tạo kỹ năng nghề trong chương trình hướng nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án dạy và học môn ngoại ngữ giai đoạn 2012 - 2016 và định hướng đến 2020. Tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh theo 4 kỹ năng và yêu cầu chuẩn đầu ra.

Các ban, sở, ngành cấp tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 đúng yêu cầu đề ra; quan tâm đúng mức công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị dạy học, giải quyết các vấn đề liên quan đến biên chế, chế độ chính sách, kinh phí và các vấn đề khác liên quan đến các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2016-2017. Căn cứ Quy hoạch phát triển giáo dục của tỉnh đã được phê duyệt, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường, lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở...; bố trí giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nhân lực, vật lực hiện có.

Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc tỉnh tổ chức triển khai quán triệt đến tận cán bộ, giáo viên và người lao đông trong đơn vị nội dung Chỉ thị số 3031/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2016-2017; đồng thời, căn cứ vào nội dung của Chỉ thị để xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2016-2017 theo đúng yêu cầu. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo và đánh giá kết quả học tập của người học. Đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học và phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động trong giai đoạn hiện nay…

 

Tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp

Để chấn chỉnh công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2016 yêu cầu tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng để giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu đúng và thực hiện đầy đủ các quy định Nhà nước về quản lý, nâng cao hiểu biết về chất lượng, danh mục các giống cây trồng mới, lợi ích của việc sử dụng giống mới, giống có chất lượng để nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng; khuyến khích sử dụng cây giống vô tính, chất lượng cao (mô, hom) và áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng rừng thâm canh (làm đất, bón phân, chăm sóc) trong trồng rừng sản xuất. Chỉ đạo, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất việc sản xuất và kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ. Kiên quyết không cho phép sử dụng các lô giống không rõ nguồn gốc; xử lý, tiêu hủy tất cả các lô giống khi phát hiện không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra, tái kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất giống bao gồm cả những hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Kiên quyết đình chỉ sản xuất và tham mưu cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở xếp loại C không đủ điều kiện theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp phải có giấy phép đăng ký kinh doanh về lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp; chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp trong danh mục do Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố hằng năm; hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung đã đăng ký trong giấy phép kinh doanh và chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng do mình sản xuất, kinh doanh. Phải đảm bảo điều kiện vật chất, trang thiết bị và kỹ thuật theo quy định để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng lâm nghiệp kém chất lượng, giống ngoài danh mục, giống không rõ nguồn gốc xuất xứ và giống chưa được công nhận.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật đối với sản xuất, kinh doanh, giống cây trồng lâm nghiệp đến mọi tổ chức và cá nhân, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện đúng các quy định của pháp luật và tự giác tham gia công tác đấu tranh phòng chống hàng kém chất lượng, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác quản lý về giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Thường xuyên theo dõi, giám sát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn...

 

Kiểm tra, xử lý vấn đề báo nêu: “Bát nháo” các tuyến xe khách ở Thừa Thiên Huế: Bệnh hết thuốc chữa

Liên quan đến việc Báo Tamnhin.net số ra ngày 31/8/2016 đăng bài “Bát nháo” các tuyến xe khách ở Thừa Thiên Huế: Bệnh hết thuốc chữa, phản ánh và ghi nhận tình trạng xe ngang nhiên đậu đỗ đón trả khách ở dọc đường, hàng hoá chất đầy nóc, bỏ bến lập “bến cóc”, chạy dù và chạy không đúng luồng tuyến trên địa bàn tỉnh, ngày 09 tháng 9 năm 2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên  Huế đã có Công văn số 5436 /UBND-GT giao Sở Giao thông vận tải chủ trì kiểm tra, xử lý thông tin báo nêu; làm việc với các cơ quan liên quan để có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh trước ngày 30 tháng 9 năm 2016.

 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 435 khách