slogan
Tìm kiếm
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày cập nhật 29/09/2016

Sáng ngày 23/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Chí Tài, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có đại diện các sở, ngành liên quan; đại diện Hiệp hội và các doanh nghiệp trong Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh, trường Đại học luật, Hội Luật gia và đoàn Luật sư tỉnh.

Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, gồm 7 chương với 49 điều, quy định các nội dung, kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc biệt là xác định rõ trách nhiệm của  Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia trong xu thế hội nhập quốc tế và giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đồng tình và thống nhất cao sự cần thiết phải có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bởi, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại nước ta chiếm 97% (khoảng 450 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động), đây là loại hình doanh nghiệp chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế không chỉ đóng góp hơn 40% GDP mà còn đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo…

Góp ý vào dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, thực tế là loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta có nguồn lực nhỏ, sức cạnh tranh thấp, nhất là đối với việc xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường nước ngoài, việc tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng thương mại để phát triển rất khó khăn. Trong dự thảo, Luật đã đề cập việc cần phải thành lập và xây dựng quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ Trung ương đến địa phương và cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ, điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, về tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa (điều 5 dự thảo), cần phân chia cụ thể  doanh thu của các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực; không kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp trong 5 năm đầu từ khi bắt đầu thành lập; xem xét tính khả thi của khoản 4 điều 11, bởi hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều khó khăn về vốn, "tự nuôi mình" còn khó khăn thì việc tự nguyện góp vốn thành lập quỹ tương hỗ là khó thực hiện được. Về hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, cần nâng mức trần tối đa 10% mức thuế suất phổ thông quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong thời hạn 5 năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mới khởi nghiệp. Về hỗ trợ tiếp cận tín dụng tại ngân hàng thương mại, cần quy định thống nhất về mức hỗ trợ lãi suất vốn vay trên toàn quốc (khoản 7, điều 11), có như vậy mới tạo sự bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giữa các địa phương. Về chương trình hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành và chuổi  giá trị, (điều 26 về đối tượng, điều kiện hỗ trợ) ngoài các nhóm ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và nhóm ngành dệt may, da giầy thì cần bổ sung thêm nhóm ngành nghề sử dụng công nghệ cao, sử dụng chất sám có giá trị gia tăng cao...

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật về Hội.   

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 398 khách