slogan
Tìm kiếm
Họp báo Công bố chỉ số giá tháng 9 và quý III năm 2016
Ngày cập nhật 29/09/2016

(MPI) - Ngày 24/9/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Họp báo Công bố chỉ số giá tháng 9 và quý III năm 2016. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2016 tăng 0,54% so với tháng trước; Tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước; Tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,07%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 10 nhóm tăng, cụ thể: Nhóm giáo dục tăng cao nhất 7,19% và tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,55%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,09%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,09%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%. Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,07%.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê phát biểu tại buổi Họp báo.
Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Phát biểu tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, một số nguyên nhân dẫn đến CPI tăng gồm: cuối tháng 8 Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn gạo xuất khẩu cho Phi-líp-pin nên giá lúa gạo trong nước hồi phục sau 3 tháng giảm, tuy nhiên mức tăng khá nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.

Trong tháng, thời tiết mưa nhiều nên giá rau tươi tăng mạnh từ 10% - 15% do nguồn cung hạn chế nên đẩy chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,1% so với tháng trước; Giá dịch vụ giáo dục tăng ở 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,19% so với tháng trước đóng góp 0,42% vào mức tăng chung của CPI tháng 9.

Bên cạnh đó, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 05/9/2016 (giá xăng tăng 1.380 đồng/lít; giá dầu diezen tăng 720 đồng/lít) làm cho chỉ số giá của nhóm giao thông tăng 0,55% đóng góp 0,05% vào mức tăng chung của CPI; Từ ngày 01/9/2016 giá gas điều chỉnh tăng 6.000đ/bình 12kg (giá gas trong nước điều chỉnh tăng do giá gas nhập khẩu trong tháng 9 tăng 20USD/tấn chốt giá ở mức 307,5 USD/tấn) làm cho chỉ số giá gas tăng 0,31% so với tháng trước; Tháng 9 khai giảng năm học 2016 – 2017 nên nhu cầu mua sắm quần áo, mũ nón và giầy dép tăng làm cho chỉ số nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14% so với tháng trước.

So sánh CPI 9 tháng đầu năm hằng năm so với cùng kỳ năm trước
trong 10 năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

2007

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

CPI 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước

7,53

20,76

7,64

8,65

18,16

9,97

6,83

4,61

0,74

2,07

Sau khi tăng mạnh ở tháng 7 và tháng 8 do sự kiện Brexit của nước Anh, giá vàng trong nước tháng này đã giảm trở lại cùng với diễn biến của giá vàng thế giới, bình quân giá vàng trong nước dao động quanh mức 3.600.000đ-3.620.000đ/chỉ vàng SJC giảm 0,34% so với tháng trước.

Tỷ giá VNĐ/USD tháng 9 năm 2016 gần như ổn định, xoay quanh mức 22.330VNĐ/USD do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm.

Ảnh: Minh Hậu (MPI)

Lạm phát cơ bản tháng 9 trong các năm gần đây

Đơn vị tính:%

 

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

Lạm phát cơ bản tháng 9 năm báo cáo so với tháng trước

0,49

0,71

0,28

0,30

0,16

0,06

0,07

Lạm phát cơ bản bình quân năm so với năm trước

7,78

13,62

8,19

4,77

3,31

2,32

1,81*

CPI tháng 9 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

7,10

16,14

5,97

4,54

3,11

1,87

1,85

(*) Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015

Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 9 năm 2016 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ; 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Bình quân 9 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Mức tăng của lạm phát chung (tăng 2,07%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) khá gần với nhau, lạm phát cơ bản từ tháng 01 đến tháng 9 năm nay so cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng khá hẹp từ 1,64% đến 1,88%, điều này thể hiện chính sách tiền tệ đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô./.

Minh Hậu

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 344 khách