slogan
Tìm kiếm
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 25/9 – 2/10/2016)
Ngày cập nhật 06/10/2016

Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020; Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế; Thực hiện đúng các quy định hiện hành về mua sắm ô tô, máy móc, thiết bị; Tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch; Đầu tư dự án Hệ thống nối mạng cấp nước sạch xã Hồng Thái, huyện A Lưới… là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong tuần qua (từ ngày 25/9 – 2/10/2016).

Thừa Thiên Huế phấn đấu có thêm 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 – 2020 với tổng mức vốn thực hiện Chương trình là 7.220 tỷ đồng.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu tiếp tục giữ vững và nâng chất lượng đối với 20 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015; phấn đấu có thêm 41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 61 xã, đạt tỷ lệ 59%; phấn đấu 02 huyện Quảng Điền và Nam Đông đạt chuẩn nông thôn mới. Số tiêu chí bình quân/xã đạt: 16,5 tiêu chí vào cuối năm 2020; các xã còn lại phấn đấu đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015.

Dự kiến tiến độ thực hiện cụ thể: Năm 2016 tăng thêm 7 xã đạt chuẩn, trong số 11 xã phấn đấu sau: Điền Lộc (huyện Phong Điền); Hương Bình (thị xã Hương Trà); Sơn Thủy (huyện A Lưới); Vinh Hiền, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc); Quảng Công, Quảng Phước (huyện Quảng Điền); Phú Thuận, Phú Hải, Phú An (huyện Phú Vang) và Thượng Quảng (huyện Nam Đông). Năm 2017 tăng thêm 9 xã đạt chuẩn, trong số 11 xã phấn đấu sau: Điền Hải (huyện Phong Điền); Hương Toàn, Hương Phong (thị xã Hương Trà); Phú Vinh, A Ngo (huyện A Lưới); Lộc An (huyện Phú Lộc); Thủy Phù (thị xã Hương Thủy); Quảng Vinh (huyện Quảng Điền); Vinh Thanh, Phú Thanh (huyện Phú Vang) và Thượng Nhật (huyện Nam Đông). Năm 2018 tăng thêm 10 xã đạt chuẩn, trong số 11 xã phấn đấu sau: Phong Hòa, Phong Mỹ (huyện Phong Điền); Hải Dương (thị xã Hương Trà); Nhâm (huyện A Lưới); Lộc Trì (huyện Phú Lộc); Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy); Quảng Thành, Quảng An (huyện Quảng Điền); Phú Hồ, Vinh Thái (huyện Phú Vang) và Thượng Lộ (huyện Nam Đông). Năm 2019 tăng thêm 8 xã đạt chuẩn, trong số 12 xã phấn đấu sau: Phong Thu, Điền Môn (huyện Phong Điền); Hương Thọ (thị xã Hương Trà); Hương Lâm (huyện A Lưới); Lộc Hòa (huyện Phú Lộc); Thủy Vân, Phú Sơn (thị xã Hương Thủy); Quảng Thọ, Quảng Lợi (huyện Quảng Điền); Phú Lương (huyện Phú Vang) và Hương Hữu, Thượng Long (huyện Nam Đông). Năm 2020 tăng thêm 7 xã đạt chuẩn, gồm: Điền Hòa, Phong Xuân (huyện Phong Điền); Bình Điền (thị xã Hương Trà); Hồng Bắc (huyện A Lưới); Vinh Hải (huyện Phú Lộc) và Quảng Ngạn, Quảng Thái (huyện Quảng Điền).

Các giải pháp được đề ra đó là tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện ban hành cơ chế chính sách, hướng dẫn tổ chức triển khai Chương trình theo quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường phân cấp, trao quyền cho cấp xã, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường huy động, đa dạng hoá các nguồn vốn, bố trí nguồn vốn hợp lý, bảo đảm hiệu quả đầu tư để thực hiện Chương trình. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, tăng thu nhập và giảm nghèo ở nông thôn. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, đào tạo nghề. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp; thực hiện phân công các thành viên Ban chỉ đạo, các sở, ban, ngành  phụ trách địa bàn huyện, xã cụ thể để theo dõi, giúp đỡ thực hiện Chương trình. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo dõi, giúp đỡ các đơn vị xã, thôn bản trong xây dựng nông thôn mới…

 

35 tỷ đồng thực hiện Đề án Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020

Ngày 27 tháng 9 năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 67/2016/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020.  Tổng kinh phí thực hiện Đề án này ước tính 35 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 12 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 12 tỷ đồng; nguồn huy động hợp pháp là 11 tỷ đồng).

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn đăng ký xây dựng và 95% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Duy trì và đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế. 100% trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS được cung cấp các dịch vụ về y tế. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 20%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 10%. Đến năm 2020 có 90 - 100% trẻ em từ 3 đến 5 tuổi được chăm sóc, giáo dục tại  các cơ sở giáo dục mầm non. Tỷ lệ trẻ em 6 tuổi vào lớp một đạt 100%, trong đó đặc biệt quan tâm đến trẻ em dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật. Đến năm 2020 có 12.500 học sinh tiểu học nòng cốt được dạy bơi và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; Tỷ lệ xã, phường, thị trấn có điểm vui chơi cho trẻ em đạt 60%. 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; Duy trì 100% trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi) đủ điều kiện được thực hiện các chính sách về phúc lợi xã hội do Nhà nước quy định. 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời. 95% trẻ em sinh ra được làm giấy khai sinh đúng hạn. Phấn đấu đến năm 2020 có 50% xã, phường, thị trấn xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em.

Các nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra là việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành đoàn thể để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đưa các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ, chăm sóc trẻ em  cho chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội và trẻ em; thực hiện tốt các các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; thực hiện tốt các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em trong các hộ nghèo để giảm số lượng trẻ em lang thang, bị lạm dụng sức lao động, bị tai nạn thương tích, là nạn nhân của bạo lực; đảm bảo cung cấp đầy đủ và có chất lượng các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Duy trì, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp; bố trí đủ số lượng, nâng cao chất lượng và năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ chuyên trách, đặc biệt là cán bộ và cộng tác viên ở xã, phường, thị trấn. Thực hiện hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc & giáo dục trẻ em thôn, bản, tổ dân phố với định mức 0,1 – 0,15 mức lương cơ sở/1 cộng tác viên…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 10 năm 2016 và thay thế Quyết định số 32/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011-2015”.

 

Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Huế

Ngày 26  tháng 9 năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công văn số 5791/UBND-XDHT yêu cầu Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (chủ đầu tư), Ban QLDA Cải thiện Môi trường nước thành phố Huế (Ban QLDA) tăng cường công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và hiệu quả; chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu quyết liệt thực hiện, triển khai hiệu quả các biện pháp thi công, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân các gói thầu, đảm bảo chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn cho công trình, người và phương tiện lưu thông tại các khu vực đang thi công; khẩn trương rà soát đánh giá, nghiên cứu có giải pháp giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ khi thời tiết mưa lớn, kéo dài tại các khu vực phía Nam thành phố Huế do ảnh hưởng quá trình thi công; làm việc cụ thể với UBND thành phố Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để xác định khu vực bãi thải phù hợp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 5771/UBND-TN ngày 23/9/2016.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố Huế, các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ được giao tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát; kịp thời tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình triển khai dự án.

 

Thực hiện đúng các quy định hiện hành về mua sắm ô tô, máy móc, thiết bị

Nhằm đảm bảo việc mua sắm, trang bị máy móc, thiết bị của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Công văn số 5808/UBND-TC ngày 26 tháng 9 năm 2016 yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vị quản lý thực hiện các nội dung sau:

Đối với việc mua mới, thay thế, trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức; máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến trang bị để sử dụng tại các phòng làm việc, phòng họp, hội trường, phòng thường trực, phòng lưu trữ và các phòng phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì thực hiện mua mới đảm bảo đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ và thực hiện chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán được giao theo quy định tại Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 19/2016/TT-BTC ngày 01/02/2016 của Bộ Tài chính, giá mua đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định trong trường hợp các cơ quan tổ chức, đơn vị có nhu cầu phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá mua cao hơn không quá 10% so với mức giá quy định tại Điều 7 Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg.

Đối với việc trang bị máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, UBND tỉnh nêu rõ, trong thời gian UBND tỉnh chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kho bạc nhà nước tỉnh và Kho bạc nhà nước cấp huyện thực hiện kiểm soát chi mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh quản lý theo dự toán chi ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh cũng lưu ý Kho bạc nhà nước tỉnh và Kho bạc nhà nước cấp huyện thực hiện kiểm soát chi mua sắm xe ô tô theo đúng quy định hiện hành.

 

Tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành Chỉ thị số 24/CT- UBND ngày 26 tháng 9 năm 2016 yêu cầu tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương cần quan tâm chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 08/3/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-TT ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; đồng thời hàng năm phải có tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung củng cố, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, bằng nhiều mô hình phong trào phong phú, đa dạng sát hợp với tính chất, đặc điểm của từng địa bàn, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, đảm bảo yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cùng với củng cố lại chất lượng hoạt động của các đội dân phòng theo đúng quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy; trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức hỗ trợ thường xuyên cho các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, theo quy định của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ.

Các sở, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp tập trung kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và chi cấp kinh phí mua sắm các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy thuộc đơn vị quản lý.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về thực hiện quy chuẩn thiết kế, trang bị, sử dụng hệ thống thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong xây dựng cơ bản; thường xuyên chủ động tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, chú ý rà soát nguồn nước và lượng nước dự trữ phục vụ chữa cháy tại cơ sở. Quan tâm xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo đúng quy định, nhất là đối với các khu công nghiệp, phải đảm bảo tất cả các khu công nghiệp phải có phương án chữa cháy cho toàn khu vực và phải tổ chức thực tập được một lần trong một năm xử lý cháy, nổ có huy động nhiều lực lượng trong khu công nghiệp tham gia.

Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh phối hợp với Sở Công thương và chính quyền địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra lên danh sách các cơ sở kinh doanh gas, xăng, dầu, hóa chất, buôn bán phế liệu... sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy đang nằm xen kẽ trong khu vực tập trung đông dân cư, nhà liền kề để đề xuất chính quyền tỉnh chỉ đạo có giải pháp xử lý thích hợp, không để tồn tại kéo dài...

UBND tỉnh cũng yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là những người đứng đầu trong từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, người dân, yêu cầu mọi người tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; tích cực tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chấp hành quy định của nhà nước về thực hiện bảo hiểm về chấy, nổ bắt buộc.

 

Công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch

Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 2236/QĐ-UBND về việc công bố bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cụ thể, Lữ hành có 10 thủ tục gồm: (1) Cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (2) Sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (3) Cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam trong các trường hợp: (a) Thay đổi tên gọi hoặc thay đổi nơi đăng ký thành lập của doanh nghiệp du lịch nước ngoài từ một nước sang một nước khác; (b) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của văn phòng đại diện đến một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác; (c) Thay đổi nội dung hoạt động của doanh nghiệp du lịch nước ngoài; (d) Thay đổi địa điểm của doanh nghiệp du lịch nước ngoài trong phạm vi nước nơi doanh nghiệp thành lập; (4) Cấp lại giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp giấy phép thành lập văn phòng đại diện bị mất, bị rách nát hoặc bị tiêu hủy; (5) Gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam; (6) Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; (7) Cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; (8) Đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch; (9) Cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch; (10) Cấp giấy chứng nhận thuyết minh viên du lịch.

Dịch vụ du lịch – Khách sạn có 07 thủ tục gồm: (1) Cấp biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch; (2) Cấp biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch; (3) Cấp lại biển hiệu đạt tiểu chuẩn phục vụ khách du lịch đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm du lịch; (4) Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao cho khách sạn, làng du lịch; (5) Thẩm định lại, xếp hạng lại hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng 1 sao, 2 sao cho khách sạn, làng du lịch; (6) Xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng đạt tiểu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác; (7) Thẩm định lại, xếp hạng lại hạng cơ sở lưu trú du lịch: hạng đạt tiểu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch cho biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; bãi bỏ các thủ tục hành chính trên lĩnh vực du lịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã được Chủ tịch UBND tỉnh công bố tại Quyết định số 1440/QĐ-UBND ngày 30/7/2013 và Quyết định số 851/QĐ-UBND ngày 25/4/2014.

 

Đầu tư dự án Hệ thống nối mạng cấp nước sạch xã Hồng Thái, huyện A Lưới

 

UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Hệ thống nối mạng cấp nước sạch xã Hồng Thái, huyện A Lưới với tổng mức đầu tư dự kiến 1.950 triệu đồng

Theo đó, dự án do Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xây dựng và Cấp nước tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư nhằm cung cấp nước sạch cho khoảng 1.300 người dân tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới.

Dự án sẽ lắp đặt mới khoảng 4.510 m đường ống HDPE từ D50 đến D90 để cung cấp nước sạch cho nhân dân trong xã; xây dựng các hố van, hố ga đảm bảo nhu cầu sử dụng.. Thời gian thực hiện: 02 năm.

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 255 khách