slogan
Tìm kiếm
Quan hệ hợp tác Việt Nam – UNDP
Ngày cập nhật 11/10/2016
 Việt Nam và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 1977, chủ yếu thông qua việc thực hiện các Chương trình quốc gia gồm nhiều dự án theo các chu kỳ 5 năm.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 39 năm hợp tác giữa Việt Nam và UNDP đã có 8 Chu kỳ được xây dựng và triển khai liên tục với các quy mô và phương thức thực hiện khác nhau, kinh phí viện trợ không hoàn lại dành cho Việt Nam khoảng 1 tỷ USD. Trong các giai đoạn từ năm 2010 tới nay, vốn vận động của UNDP thường xuyên được đáp ứng đầy đủ và ngày một tăng do UNDP rất tích cực trong việc đa dạng cách tiếp cận và vận động vốn.

Mục tiêu trung tâm các hoạt động của UNDP tại Việt Nam là hỗ trợ nhằm góp phần nâng cao một cách bền vững đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Các hình thức hỗ trợ kỹ thuật và tri thức được chuyển giao để thực hiện mục tiêu này luôn được điều chỉnh cho phù hợp với các ưu tiên và chính sách phát triển của Việt Nam.

UNDP tham gia tích cực và chủ động vào việc thực hiện Sáng kiến Thống nhất hành động (trước đây là Sáng kiến Một Liên Hợp Quốc) của Liên Hợp Quốc và làm đầu mối phối hợp kế hoạch hoạt động với các tổ chức Liên Hợp Quốc khác về phát triển bền vững, quản trị và biến đổi khí hậu…

Trong giai đoạn 2017-2021, dự kiến tổng số vốn ODA không hoàn lại của UNDP dành cho Việt Nam là 125,58 triệu USD, trong đó 15,58 triệu USD là vốn thường xuyên và 110 triệu USD sẽ được vận động từ các nguồn khác.

Mục tiêu của Chương trình quốc gia là hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) đã đề ra, thúc đẩy việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững (SDGs) với các trọng tâm chính: khuyến khích một cách có hệ thống những kinh nghiệm Việt Nam đã có để chia sẻ với các nước khác thông qua Sáng kiến hợp tác Nam – Nam trong nỗ lực giảm nghèo, quản lý rủi ro thảm họa và sử dụng các công cụ chính sách dựa trên bằng chứng những tập quán này.

Đồng thời, Chương trình quốc gia sẽ đóng góp vào 3 thành quả thuộc Kế hoạch Chiến lược chung của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, gồm: khắc phục tình trạng nghèo và bất bình đẳng; Tăng cường sự tham gia của người dân và bảo vệ quyền con người; Xúc tiến phát triển bền vững, phát thải ít các bon đồng thời tăng cường khả năng chống chịu của các nhóm đối tượng có chọn lọc./.

Đức Trung

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 176 khách