slogan
Tìm kiếm
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017
Ngày cập nhật 07/11/2016

Đồng tình về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 của Chính phủ trình trước Quốc hội, tại kỳ họp thứ 2, cũng như những nhìn nhận thẳng thắn về những bất cập, hạn chế trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016. Đại biểu Phan Ngọc Thọ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, điều mà cử tri và Quốc hội mong muốn, kỳ vọng là Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, kiên trì để những "gạch đầu dòng" về hạn chế, bất cập, chủ quan trong điều hành, quản lý, tổ chức thực hiện mỗi năm được giảm dần trong các báo cáo của Chính phủ.

Kế sách lâu dài và bền vững

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ tiếp tục chuyển 50% khoản tiền còn lại chi trả cho các đối tượng bị ảnh hưởng, để số tiền bồi thường đến với bà con trong thời gian sớm nhất, nhất là trong hoàn cảnh người dân miền Trung bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ cho hay, qua thực tế thực hiện việc rà soát, kê khai và thống kê thiệt hại do sự cố môi trường biển của tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, do thực hiện trong thời gian ngắn với nhiều đối tượng nên chưa thể đầy đủ, thêm vào đó do đặc điểm địa hình, tập quán đánh bắt nuôi trồng của mỗi địa phương đều có những đối tượng đặc thù như tỉnh Thừa Thiên Huế có vùng đầm phá. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các đối tượng chưa được xếp loại như đối tượng kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển, kho đông lạnh và các đối tượng đặc thù của địa phương như đánh bắt nuôi trồng hải sản khu vực đầm phá.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường đến nay môi trường biển khu vực 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đã được cải thiện, phục hồi do cơ chế tự nhiên. Tuy nhiên, có 3 điểm tại 3 địa phương vẫn còn được tiếp tục theo dõi. Do đó, về kế sách lâu dài cho phát triển bền vững tại khu vực này, Đại biểu Phan Ngọc Thọ  đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thực hiện việc quan trắc, có các giải pháp xử lý môi trường cụ thể để sớm khẳng định được điều người dân mong chờ, đó là "biển sạch, hải sản đã sạch" trên toàn bộ khu vực biển miền Trung.

Cùng với đó, trong cân đối nguồn lực, Chính phủ cần ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường; trong đó đầu tư cho công tác cảnh báo, giám sát, kiểm định môi trường, tạo điều kiện cho công tác dự báo, kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm kịp thời, khoa học, hợp lý, giúp cho công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương có hiệu quả. Đại biểu Phan Ngọc Thọ nêu ý kiến.

Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên tâm

Về cải cách hành chính, Đại biểu Phan Ngọc Thọ  cho rằng, với tinh thần kiến tạo, hành động phục vụ, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung những nỗ lực trong đổi mới, phương thức hoạt động tạo sự chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, để cải cách hành chính đi vào thực chất hướng tới mục tiêu, giảm thiểu thời gian, giấy tờ, chi phí trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, tham gia giám sát chính quyền mọi lúc, mọi nơi thì ngoài nền tảng pháp lý cần phải đặc biệt quan tâm tới đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.

Thực tế đã khẳng định, đội ngũ cán bộ có vai trò quyết định sự thất bại của công cuộc cải cách hành chính. Vì vậy, Đại biểu Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cần tập trung sắp xếp, hoàn thiện bộ máy trên cơ sở xây dựng mô hình tổ chức quản trị, tạo sự đồng bộ, thống nhất và khoa học trong quản lý, tổ chức, vị trí việc làm cho từng loại hình cơ quan ở các cấp chính quyền. Từ đó hình thành đội ngũ công chức chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu quản lý.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ khẳng định, không đổi mới tái cơ cấu tổ chức bộ máy thì việc tinh giản 10% chúng ta đang triển khai chỉ là phần ngọn. Bởi, tình trạng vừa thiếu đội ngũ chuyên nghiệp, vừa thừa đội ngũ công chức không thạo việc dẫn đến bài toán nan giải, thực tế với bộ máy hiện nay khó có cơ sở và điều kiện để cải cách tiền lương một cách triệt để. Do đó, để thực hiện tái cơ cấu và đổi mới sâu rộng nền kinh tế, nhu cầu cấp thiết là bộ máy quản lý với đội ngũ cán bộ phải quyết tâm từ tái cơ cấu tư duy của chính mình, nhằm đổi mới, sáng tạo trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân để biến quyết tâm chính trị của quốc gia sớm trở thành hiện thực. 

www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 669 khách