slogan
Tìm kiếm
Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, nhiệt huyết của kiều bào
Ngày cập nhật 14/11/2016

(Chinhphu.vn) – Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” đã khai mạc sáng 12/11 tại TPHCM.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng 500 kiều bào là các chuyên gia, trí thức, doanh nhân, nhà hoạt động văn hóa, xã hội từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự hội nghị.

Hội nghị nhằm thu hút trí tuệ và nguồn lực quý báu của kiều bào, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là hội nghị lớn đầu tiên tổ chức riêng cho TPHCM bởi Thành phố không chỉ từng là “Hòn ngọc của Viễn Đông” trước đây mà còn luôn là đầu tàu phát triển, luôn đi đầu cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay.

Hội nghị không chỉ là mong muốn của Đảng và Nhà nước, của chính quyền và nhân dân TPHCM mà còn là mong muốn của đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài.

Nhận thức rõ con đường bứt phá

Mặc dù tình hình thế giới và khu vực chuyển biến rất nhanh và phức tạp, Phó Thủ tướng cho rằng hòa bình và phát triển, toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn là những xu thế lớn, không thể đảo ngược, cho dù còn nhiều trở ngại do cạnh tranh, xung đột, khủng bố gia tăng ở một số nơi.

Bên cạnh đó, những biến động về chính trị, kinh tế, xã hội của các nước, đặc biệt là các nước lớn và các nước láng giềng, đều tác động đến Việt Nam, đưa đến nhiều cơ hội mới nhưng thách thức cũng rất gay gắt.

Phó Thủ tướng cho rằng đất nước cũng đang đối mặt với những thách thức lớn, trong đó mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào lợi thế tài nguyên và nhân công rẻ từng mang lại thành công cho Việt Nam thì nay đã có dấu hiệu tới hạn; năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cùng với đó, những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đe dọa kéo lùi những thành quả kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Đất nước cũng chưa tranh thủ được cơ hội của hội nhập để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chưa tranh thủ được lợi ích mở rộng thị trường từ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để vượt qua những thách thức đó, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng và Nhà nước ta nhận thức rõ cải cách thể chế kinh tế và tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa là con đường để Việt Nam bứt phá.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực.

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ chú trọng tái cơ cấu các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với đầu tư nước ngoài, Chính phủ khuyến khích các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên là kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp cũng như những lĩnh vực phục vụ thiết thực các nhu cầu cấp bách của người dân hiện nay như nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm sạch và an toàn.

Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam, nhất là những quy định liên quan đến môi trường, lao động.

Về phần mình, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới toàn diện, xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quốc hội, Chính phủ cũng đang đẩy nhanh quá trình xây dựng mới và sửa đổi nhiều luật, nghị định về đầu tư, kinh doanh theo hướng này, đồng thời bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn chung của quốc tế và cam kết hội nhập.

Về hội nhập quốc tế, đất nước chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động tham gia đóng góp tại các cơ chế hợp tác, liên kết trên mọi tầng nấc, với trọng tâm là thực hiện Cộng đồng ASEAN, thực hiện các thỏa thuận thương mại tự do đã ký kết, tập trung hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của LHQ, tạo không gian phát triển mới cho đất nước cũng như cho mỗi doanh nghiệp và người dân
 

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ đại biểu kiều bào tại hội nghị. Ảnh: VGP/Hải Minh

Đất nước cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết

Phó Thủ tướng khẳng định Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Kiều bào ta dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn; là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.

Các hoạt động hợp tác về khoa học-công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Phó Thủ tướng khẳng định: Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

“Trong số hơn 500 đại biểu kiều bào có mặt tại đây hôm nay, tôi biết có nhiều đại biểu ở nhiều lứa tuổi khác nhau, người cao tuổi nhất 85 tuổi, người trẻ nhất mới 33 tuổi, có vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú và đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ nhiều nước trên thế giới, nhưng có một điểm chung vô cùng quý báu và đáng trân trọng là đều tâm huyết với sự phồn vinh của đất nước”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi cụ thể về tiềm năng cũng như những cơ hội và thách thức đối với TPHCM nói riêng, cả nước nói chung, từ đó đề xuất những ý tưởng, biện pháp để chúng ta cùng đồng hành đưa TPHCM và cả nước phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu trong nước và kiều bào trao đổi thực chất, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của riêng mình, bài học của các nước, kiến nghị giải pháp cho tất cả các lĩnh vực phát triển của Thành phố.

Những đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước, cho TPHCM trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung trong thời gian tới./.

Hải Minh

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 680 khách