slogan
Tìm kiếm
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và cập nhật tình hình triển khai thực hiện ở Việt Nam
Ngày cập nhật 26/12/2016

(MPI) – Ngày 21/12/2016, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và cập nhật tình hình triển khai thực hiện ở Việt Nam”.

Chương trình nghị sự 2030 (CTNS) bắt nguồn từ CTNS 21 về phát triển bền vững. Năm 1972, tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người tại Stockholm, Thụy Điển, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế bàn về các vấn đề môi trường toàn cầu cũng như các nhu cầu cần thiết cho phát triển. Năm 1983, thành lập Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED), được ghi nhận bởi những cống hiến rất giá trị cho việc đẩy mạnh sự phát triển bền vững. Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất về môi trường và phát triển, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, nhất trí kế hoạch hành động – CTNS 21, một số nguyên tắc chính và thông qua 5 văn kiện quan trọng. Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững đã nhắc lại các mục tiêu xã hội và môi trường được phản ánh trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21. Năm 2012, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã đảm bảo cam kết chính trị không ngừng cho phát triển bền vững, giải quyết những thách thức mới đang nổi lên, khởi động quá trình xây dựng mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Từ tháng 9/2013, các nước đặt ra một bộ mục tiêu và khởi động các cuộc đàm phán liên chính phủ về CTNS sau 2015, đưa ra bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 chỉ tiêu. Ngày 25/9/2015, CTNS 2030 chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York. CTNS 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.

Trên cơ sở 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng, ưu tiên phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn, kế thừa các chiến lược, chính sách, chương trình kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu, quan trọng của quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với Việt Nam và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030. Tháng 8-9/2016, các buổi hội thảo tham vấn rà soát các mục tiêu phát triển bền vững đã được tổ chức, đề xuất, lựa chọn các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 (VSDGs). Tháng 11/2016, dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Lệ Thủy và đại diện UNDP đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia gồm 5 phần: Quan điểm; Các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030; Các nhiệm vụ chủ yếu và phân kỳ thực hiện; Giải pháp thực hiện; Tổ chức thực hiện. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển, xây dựng xã hội hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

Theo đó, 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 bao gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong xã hội; Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu, đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững; Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất; Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và sự tham gia ở các cấp; Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Dự thảo xác định các giải pháp thực hiện bao gồm: Nâng cao nhận thức và hành động của toàn xã hội về phát triển bền vững và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, các đối tác phát triển trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Tăng cường và huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành, sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp, các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, sự phối hợp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo tính tích hợp và lồng ghép của các mục tiêu; Tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động bao gồm ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn vốn nước ngoài (ODA, FDI và các nguồn khác). Kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện Kế hoạch hành động được bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương theo quy định ngân sách nhà nước hiện hành và được lồng ghép trong kinh phí thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm, các chương trình mục tiêu quốc gia… Nhà nước cần ưu tiên và dành kinh phí thỏa đáng từ ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động, đồng thời tạo cơ sở pháp lý, ban hành chính sách huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân để thực hiện Kế hoạch hành động.../.

Nguyễn Hương

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 573 khách