slogan
Tìm kiếm
Phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ngày cập nhật 17/01/2017

(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 diễn ra ngày 11/01/2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khát vọng phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm tốt vai trò, chức năng của một Bộ tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, gắn liền với những kết quả của nền kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kết quả phát triển kinh tế - xã hội của năm 2016 là tích cực nếu so với các nền kinh tế có cùng trình độ phát triển trên thế giới và khu vực. Nhìn lại sau hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam chính thức tham gia sân chơi hội nhập, năm 2016 được cho là năm có nhiều cái nhất, nhiều khó khăn nhất, nhiều bài học nhất và nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đạt kỷ lục cao nhất.

Đây cũng là năm cả hệ thống chính trị thể hiện sự quyết tâm, chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhất. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết, kết luận thể hiện rõ đường lối quyết tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh đốn Đảng. Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV cũng đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng với sự nhất trí cao của các Đại biểu Quốc hội, thể hiện sự đồng thuận và quyết tâm cao nhất của cử tri cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới thể chế.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong năm 2016, điển hình là các Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 cùng với các chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời hằng tháng, hằng quý để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2016 của Chính phủ.

Năm 2016 là năm cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm nhiều nhất. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, đã lấy lại được niềm tin của người dân và doanh nghiệp, sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp đăng ký mới và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.

Khát vọng phát triển đất nước

Khát vọng phát triển đất nước là khát vọng lớn nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đất nước ta còn đang thua nhiều nước xung quanh ở nhiều khía cạnh, điều đó hun đúc trong mỗi lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khát vọng bắt kịp các nước đi trước.

Việt Nam đã không còn là quốc gia nghèo, chậm phát triển, nhưng chặng đường đang phát triển để tiến tới một quốc gia giàu mạnh còn rất dài. Nếu phải mất 25 năm đổi mới để đạt tư cách “đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp” thì để trở thành một nước thu nhập trung bình cao và nước phát triển, sẽ phải mất nhiều hơn thế, sẽ là tầm nhìn 30 năm, 50 năm.

Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới chỉ tăng thêm được 106 đô la. Nhiệm vụ và cũng là khát vọng đặt ra đến năm 2020 là phải đạt 3.200 đến 3.500 đô la/1 người. Như vậy mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 250 đô la nữa mới có thể đạt được mục tiêu đề ra. Để đuổi kịp các nước, Việt Nam phải phấn đấu theo cấp số nhân, phải đạt được mức thu nhập vào tốp đầu của các nước ASEAN. Khát vọng là lớn lao, nhiệm vụ là nặng nề nhưng nếu không có khát vọng, Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái hài lòng với những gì đạt được, ngủ quên với chiến thắng của quá khứ mà mất đi ý chí, quyết tâm và động lực để phát triển.

Khát vọng đổi mới, sáng tạo

Khát vọng đổi mới, sáng tạo được phát huy từ truyền thống hơn 70 năm hình thành và phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp, đổi mới cách làm.

Với nhiệm vụ tham mưu chiến lược về cơ chế, chính sách được đặt lên hàng đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết tâm theo đuổi con đường đổi mới thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, bình đẳng; Triển khai và thực hiện hiệu quả đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường trong lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ.

“Một bước đi lớn” trong đổi mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là đổi mới tư duy, vượt qua chính mình, không vì lợi ích cục bộ. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư công gặp nhiều khó khăn, Bộ đã đổi mới cách làm, tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong việc tổng hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch năm 2017; Tham mưu, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao quyền lựa chọn dự án, chương trình cần ưu tiên đầu tư cho các Bộ, ngành, địa phương, tạo sự chủ động cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết định sử dụng nguồn lực của mình, đầu tư vào đâu đảm bảo hiệu quả, tạo động lực cho phát triển. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tập trung tham mưu về định hướng, nguyên tắc, tiêu chí, rà soát và tổng hợp kế hoạch.

Khát vọng kiến tạo phát triển

Khát vọng kiến tạo phát triển của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được truyền cảm hứng từ tư tưởng xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Với lịch sử hơn 70 năm đầy tự hào của Ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với sự lớn mạnh và phát triển của cơ quan, vị trí, vai trò tham mưu chiến lược không ngừng được củng cố. Mỗi cán bộ của Ngành phải luôn luôn đi đầu trong quá trình kiến tạo phát triển đất nước. Bóng dáng của hai chữ ‘kế hoạch và đầu tư” luôn xuất hiện trong những quyết sách, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh quốc tế sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Cục diện quốc tế dự kiến có nhiều thay đổi cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Việt Nam cần phải nhanh nhạy, nắm bắt cơ hội và tạo ra cơ hội mới, chủ động, linh hoạt, một mặt tránh cho đất nước rơi vào thế kẹt, thế bị động trước những dàn xếp của các nước lớn, mặt khác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tiềm lực kinh tế trong nước để đứng vững trước những thay đổi của thế giới và phát triển nhanh, bền vững.

Nền kinh tế đã bộc lộ nhiều yếu kém cả về chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được khai sinh, nhưng còn cả một chặng đường lớn mạnh. Trong khi đó, những vấn đề về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính... vẫn còn là trở ngại chính làm cho chi phí trung gian còn rất cao và khiến các doanh nghiệp chưa thể “sống”, tồn tại chứ chưa nói gì đến phát triển lớn mạnh và có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Những khó khăn bên ngoài và nội tại của nền kinh tế đã tồn tại trong thời gian dài. Nếu không được khắc phục một cách toàn diện, sẽ dẫn tới nguy cơ khó thực hiện được mục tiêu lớn là “đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp, theo hướng hiện đại vào năm 2020” mà Đảng đã đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thấm nhuần truyền thống lịch sử của dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư – truyền thống của bản lĩnh, trí tuệ, đổi mới, cải cách và đoàn kết, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang phấn đấu thực hiện 8 chữ vàng: Trí – Hành – Kết – Tâm – Chuyên – Danh – Khát vọng – Bản lĩnh. Mỗi cá nhân, mỗi tập thể phải xây dựng khát vọng, khát vọng vươn lên, khát vọng đổi mới, khát vọng trưởng thành, từ chưa tốt thành tốt, từ tốt một sẽ thành tốt 2, từ chưa giỏi thành giỏi, từ giỏi 1 phải thành giỏi 2. Trong bối cảnh ngày càng khó khăn, thách thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải không ngừng duy trì được bản lĩnh của một cơ quan đầu ngành trong quản lý nhà nước, tham mưu chiến lược cho Đảng và Chính phủ, giúp đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Với chủ đề “tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiên phong đi đầu, nâng cao nhuệ khí, hào hứng bắt tay vào công việc, trước tiên là quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) của Đảng; Triển khai toàn diện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Giữ vững ngọn lửa đổi mới, nắm chắc cơ hội, thực hiện nhiệm vụ nhanh, chính xác, kịp thời; Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra không chỉ của riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà còn của cả nước./.

Tùng Linh

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 227 khách