slogan
Tìm kiếm
Kiểm tra công tác chi trả bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 31/03/2017

Ngày 29/3, Đoàn công tác liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Công thương; Bộ Y tế .do ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chi trả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển tại các địa phương có thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đi cùng đoàn kiểm tra về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; Đại diện các Sở, Ban, Ngành liên quan cùng các địa phương có thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương báo cáo với Đoàn kiểm tra

Báo cáo với Đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết: tỉnh Thừa Thiên Huế đã chi trả trong đợt 1 là 351,178 tỷ đồng, cho 18.162 đối tượng; trong đó, huyện Phong Điền 32,826 tỷ đồng cho 2.046 đối tượng; huyện Quảng Điền 25,291 tỷ đồng cho 1.329 đối tượng; huyện Phú Vang 130,93 tỷ đồng cho 7.079 đối tượng; huyện Phú Lộc 126,129 tỷ đồng cho 6.156 đối tượng và thị xã Hương Trà 36,001 tỷ đồng cho 1.552 đối tượng. Tổng khối lượng thủy sản tồn kho trên địa bàn Thừa Thiên Huế là 495, 2 tấn; trong đó 475,4 tấn đã được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và 19,8 tấn không đảm bảo an toàn (đã tiêu hủy theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Đoàn công tác kiểm tra hồ sơ tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc

Sau khi nghe báo cáo, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra công tác thống kê, xác định đối tượng, tổng hợp thiệt hại, việc chi trả kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân… và dành thời gian để lắng nghe kiến nghị của Lãnh đạo thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc về việc đề nghị bổ sung các đối tượng lao động bán hàng đơn giản, phục vụ du lịch; các đối tượng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cửa hàng ăn uống dọc Quốc lộ 1A và ven đầm Cầu Hai (217 đối tượng và 25 doanh nghiệp với khoảng 1.000 lao động) vì đây cũng là những đối tượng bị ảnh hưởng lớn.

Chiều cùng ngày, Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà về công tác bồi thường và hỗ trợ thiệt hại. Đại diện lãnh đạo các huyện và thị xã cho biết, tình hình bồi thường thiệt hại cơ bản kịp thời, đúng quy trình, đúng người, đúng đối tượng. Tuy nhiên, trong  quá trình vẫn còn vướng một số khó khăn, đối với các hộ nuôi thủy hải sản không có đơn giá như mua giống, thức ăn nên khó thống kê. Một số hộ nuôi bị thiệt hại, nhưng không có kê khai ban đầu. Nhiều người dân tham gia hoạt động du lịch, nhưng chưa thuộc các đối tượng hỗ trợ. Các địa phương mong muốn sớm tiếp tục chi trả số tiền còn lại cho người dân để người dân sớm có vốn kinh doanh và chuyển đổi  nghề.

Ông Nguyễn Cao Lục đánh giá cao công tác chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân của tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu kết luận tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Lục đánh giá cao công tác tuyên truyền, kê khai và chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân của tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo chính xác, đúng quy trình, đối tượng, tạo được sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân. Trong thời gian đến, tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác dân vận, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, không để người dân nào bị thiệt, không để khiếu kiện xảy ra. Đồng thời chăm lo đời sống và hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp sớm trở lại lao động, sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cuộc sống. Đặc biệt, ông Nguyễn Cao Lục yêu cầu tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành kê khai và chi trả xong đợt hai trước ngày 10/4.

 

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.320.793
Truy cập hiện tại 1.761 khách