slogan
Tìm kiếm
Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công và ODA
Ngày cập nhật 28/08/2017

(MPI) – Giải ngân chậm vốn đầu tư công, ODA có thể coi là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế, nếu không có giải pháp cấp bách để đẩy nhanh tiến độ giải ngân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng trong khi tỷ lệ vay và nghĩa vụ trả nợ công ngày càng tăng cao. Tại buổi Tọa đàm - Đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 18/8/2017, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương và Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh đã đưa ra những trao đổi để làm rõ vấn đề này.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân Trần Quốc Phương, diễn biến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của 7 tháng đầu năm 2017, trên cơ sở so sánh với năm 2016 và tính đến tháng 7/2017, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có những dấu hiệu tích cực, tốc độ tăng cao hơn một chút so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ về đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, tốc độ giải ngân hiện nay mới đạt khoảng trên 30%, được coi là thấp và chưa đạt yêu cầu. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có những đánh giá cụ thể, chi tiết về nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư một dự án là thời điểm mà vốn được chuyển từ kho bạc đến người thực hiện (tức là nhà thầu), trải qua các quy trình từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án cho đến khi được giao vốn, thực hiện dự án, thanh quyết toán. Việc chậm trễ giải ngân là tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tốc độ phát triểnchung của cả nền kinh tế. Sau khi tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và đánh giá qua các kỳ báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra một số nguyên nhân chính như sau: Một là, do thói quen, quy luật của nhiều năm cho thấy những tháng đầu năm tốc độ giải ngân thường rất chậm, chỉ tập trung đẩy nhanh giải ngân vào cuối năm; Hai là, do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với dự án lớn sử dụng diện tích đất càng lớn thì công tác giải phóng mặt bằng càng phức tạp và mất nhiều thời gian; Ba là, công tác hoàn thiện thủ tục và sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các cơ quan liên quan và đối với nhà thầu trong việc hoàn thiện hồ sơ; Bốn là, yếu tố thời tiết, khi vào mùa mưa các công trình thi công bị ảnh hưởng rất nhiều, không phát sinh khối lượng công việc nên không thể lập hồ sơ thanh toán và không thể giải ngân vốn đầu tư công; Năm là, công tác giao vốn, do các dự án cần có đầy đủ hồ sơ, trong đó quan trọng nhất là quyết định phê duyệt dự án, tốn một khoảng thời gian khá dài, chủ đầu tư phải đấu thầu thuê tư vấn, lập báo cáo khả thi, thẩm định và phê duyệt dự án, rất dễ gây ra chậm trễ trong việc giao vốn…

Về giải ngân vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt 5.197,3 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng mức kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, nguồn vốn TPCP được thực hiện theo giai đoạn, từ năm 2010 đến nay chia làm hai giai đoạn 2011-2015 và có bổ sung giai đoạn 2014-2016. Sau khi Luật ngân sách được ban hành, vốn TPCP được coi là vốn của ngân sách và được lập trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Vốn TPCP 2017 dự toán Quốc hội giao là 50 nghìn tỷ thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nhiệm vụ của vốn TPCP năm 2017 về cơ bản chia làm hai khoản: Tiếp tục bố trí cho các dự án chuyển tiếp, đạt hơn 5 nghìn tỷ và đã giao ngay từ đầu năm; Còn hơn 44 nghìn tỷ vốn TPCP dành cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2017-2020 và điều kiện bắt buộc là được phê duyệt quyết định đầu tư vì đa số các dự án sử dụng vốn TPCP là dự án nhóm A mà thủ tục phê duyệt dự án nhóm A quy mô lớn khá dài, mất rất nhiều thời gian, đầy đủ hồ sơ, thủ tục mới giao vốn được. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai tổng hợp nhanh các dự án mà các Bộ, ngành, địa phương vừa hoàn thành thủ tục đầu tư để có thể giao vốn sớm cho các chủ đầu tư triển khai dự án trong các tháng cuối năm 2017. Số vốn còn lại Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu giao hết số vốn này trước ngày 30/9/2017.

Vụ trưởng Lưu Quang Khánh phát biểu tại buổi Tọa đàm - Đối thoại trực tuyến.
Ảnh: Minh Trang (MPI)

Về các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Lưu Quang Khánh cho biết, tính đến ngày 31/7/2017 các dự án ODA và vốn vay ưu đãi đã giải ngân 41,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 42% so với kế hoạch, bằng 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự các quá trình đối với dự án đầu tư trong nước, mỗi khâu tiến hành chậm một chút sẽ gây nên tình trạng chậm chung cho toàn dự án. Hơn nữa vốn ODA và vốn vay ưu đãi có đặc thù riêng là đòi hỏi quy trình thủ tục từ cả hai phía, phía nhà tài trợ và phía Việt Nam. Nhà tài trợ quan tâm nhiều đến vấn đề an sinh trong chính sách giải phóng mặt bằng và tái định cư, đưa ra những quy định mà chính sách của Việt Nam phải điều chỉnh theo, ảnh hưởng tới định mức chi phí, vốn đã quy định, rất dễ bị kéo dài và gây ảnh hưởng tới thời gian, thời điểm khởi công dự án. Theo ý kiến của 6 ngân hàng phát triển hợp tác với Việt Nam, từ khi khoản vay được bên tài trợ và Chính phủ Việt Nam thống nhất tức là có thể giải ngân được thường mất trung bình 2 năm để ký kết hợp đồng với nhà thầu tư vấn và 3 năm đối với các hợp đồng xây lắp, cung cấp hàng hóa sản phẩm.

Năm 2017, Luật ngân sách có hiệu lực đã tạo ra một số điểm khác biệt về nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn có độ trễ trong quá trình thực thi, các địa phương xây dựng kế hoạch bị chậm hoặc bị vượt so với con số Quốc hội phê duyệt. Do đó, một số dự án đã sẵn sàng được giải ngân nhưng lại không có tiền để giải ngân, tức là thiếu vốn. Một số dự án giao thông đô thị rất lớn, đặc biệt ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có khả năng giải ngân ngay nhưng bị điều chỉnh tổng mức tăng lên rất nhiều lần so với tổng mức đầu tư cũ, như dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức ban đầu 17 nghìn tỷ, hiện đang được đề xuất tăng lên 47 nghìn tỷ, trong đó vốn xây dựng cơ bản, cấp phát từ ngân sách nhà nước tăng từ 9 nghìn tỷ lên 29 nghìn tỷ. Theo đó, buộc phải trình Quốc hội xem xét quyết định, do vậy dù đang sẵn sàng giải ngân khối lượng tiền rất lớn (3-4.000 tỷ) nhưng dự án không đủ cơ sở pháp lý để phân bổ vốn.

Vụ trưởng Lưu Quang Khánh cũng nhấn mạnh, từ 01/7/2017, Ngân hàng Thế giới đã không cung cấp viện trợ từ nguồn IDA (nguồn vốn ODA ưu đãi nhất của Ngân hàng Thế giới) cho Việt Nam. Từ 01/01/2019, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) chính thức không hỗ trợ Việt Nam bằng nguồn ODA ưu đãi nhất là ADF. Các nhà tài trợ song phương khác như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang giảm dần mức ưu đãi cho Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ phải vay với thời gian vay ngắn hơn, lãi suất cao hơn và xuất hiện một số loại phí như phí cam kết. Do vậy, việc giải ngân chậm ảnh hưởng lớn tới chi phí bỏ ra. Theo nghiên cứu của ADB, nếu chậm thực hiện dự án sẽ làm tăng chi phí 17,6% mỗi năm, trong đó có 6,5% do lạm phát giá cả đối với hạng mục chính và 11,1% chi phí do lợi ích của dự án bị mất đi, tính trung bình nếu chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên 50%. Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo sát sao, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện dự án theo đúng tiến độ, hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, đối với các dự án kết thúc trong năm 2017-2018 phải kiểm soát chặt chẽ tiến độ. Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi cũng cần tiến hành những đợt kiểm tra đối với dự án trọng điểm mà hiện nay đang có vấn đề, kiên quyết xử lý nếu có những phát sinh trong thẩm quyền và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nếu vượt thẩm quyền. Trong đó có giải pháp, nếu không làm được thì tiến hành hủy vốn, hoặc tái cơ cấu dự án, chuyển vốn đó cho những dự án có hiệu quả hơn và khả năng giải ngân nhiều hơn.

Vụ trưởng Lưu Quang Khánh và Vụ trưởng Trần Quốc Phương tại buổi Tọa đàm - Đối thoại trực tuyến. Ảnh: Minh Trang (MPI)

Tại buổi Tọa đàm - Đối thoại trực tuyến, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nêu cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra. Trong đó, các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ thực hiện và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; Rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, góp phần sử dụng hiệu quả toàn bộ ngân sách đầu tư công năm 2017 phục vụ cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Theo thông lệ, tốc độ giải ngân sẽ tăng cao trong các tháng cuối năm, cùng với sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và ODA, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế./.

Nguyễn Hương

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.315.388
Truy cập hiện tại 6.058 khách