slogan
Tìm kiếm
Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ
Ngày cập nhật 06/12/2017

Nhằm hình thành và nâng cao giá trị thương hiệu, sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), trong đó ưu tiên hỗ trợ các đặc sản, sản phẩm lợi thế có tiềm năng xuất khẩu để hình thành và phát triển một số thương hiệu mạnh của tỉnh góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập của người dân và doanh nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TSTT đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tổ chức các hoạt động hướng vào doanh nghiệp như Chương trình Cà phê Doanh nhân với chủ đề “Sở hữu trí tuệ - tài sản vô hình của Doanh nghiệp”; Diễn đàn Khoa học công nghệ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0” và Hội thảo Khoa học công nghệ “Giải pháp phát triển thương hiệu các đặc sản và sản phẩm ngành nghề nông thôn ở tỉnh Thừa Thiên Huế”… các hoạt động này đã góp phần tạo chuyển biến nhận thức về TSTT của cán bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội. Việc hỗ trợ đăng ký xác lập quyền Sở hữu trí tuệ các đặc sản trên địa bàn đạt được nhiều hiệu quả tích cực, đã đăng ký bảo hộ 16 nhãn hiệu tập thể và 3 nhãn hiệu chứng nhận, thực hiện 10 dự án hỗ trợ các hoạt động xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý triển khai cho các đặc sản, sản phẩm nông nghiệp, như: tôm chua Huế, thanh trà Huế, nón lá Huế, đúc đồng Huế, mè xửng Huế, vải dèng A Lưới.

Lễ ra mắt nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Hương Hồ"

Hàng năm có khoảng 150 lượt tổ chức, cá nhân được hướng dẫn thủ tục, tra cứu, cung cấp thông tin về SHTT phục vụ cho việc nộp đơn đăng ký. Số lượng đơn đăng ký bảo hộ các đối tượng Sở hữu công nghiệp trên địa bàn qua các năm đã được tăng lên đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1146 đơn đăng ký các đối tượng Sở hữu công nghiệp và Cục SHTT đã cấp 781 văn bằng bảo hộ.

 Hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm, kết nối thị trường cho các sản phẩm đặc sản Huế đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Kết quả tham gia các đợt hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh tìm kiếm đối tác thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm; góp phần tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế với các tỉnh thành trong nước và ngoài nuớc và quảng bá hình ảnh du lịch, thương mại của tỉnh Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, nhìn chung, chương trình phát triển tài sản trí tuệ và chiến lược phát triển thương hiệu trên địa bàn tỉnh đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng qua đó đã thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanhmở ra một hướng đi phù hợpcho các đặc sản của địa phương. Thông qua việc triển khai các nội dung của chương trình đã tập hợp sức mạnh, huy động nguồn lực của xã hội để cùng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xây dựng quy chuẩn chất lượng địa phương gắn với phát triển thương hiệu các đặc sản
Hoạt động bảo hộ sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ (TSTT) đối với đặc sản địa phương gần đây được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm chú trọng, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nói riêng và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nói chung. Đến nay, Thừa Thiên Huế có 11 đặc sản được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp vào 14 Top đặc sản nổi tiếng và Bún bò Huế  là một trong 12 món ăn đạt Giá trị ẩm thực châu Á do Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận và xác lập. 

Theo Quyết định phê duyệt “Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 – 2020" của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện một số mục tiêu cụ thể như: Đáp ứng 100% tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hoạt động sở hữu trí tuệ được tập huấn kiến thức về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; tổ chức các chuyên mục tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đảm bảo ít nhất 80% các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được hỗ trợ tạo lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó ưu tiên các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của tỉnh; Hỗ trợ hình thành hệ thống quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho ít nhất 10 đặc sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ đăng ký ra nước ngoài cho ít nhất 5 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của các đặc sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho ít nhất 10 sáng chế/giải pháp hữu ích, trong đó ưu tiên các sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho ít nhất 5 sáng chế/giải pháp hữu ích trong đó ưu tiên các sáng chế/giải pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (kể cả sáng chế của nước ngoài không bảo hộ tại Việt Nam); Đáp ứng 100% các đặc sản của địa phương đã bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được hỗ trợ để quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.

Hội thảo “Giải pháp phát triển thương hiệu các đặc sản và sản phẩm ngành nghề nông thôn ở Thừa Thiên Huế”

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, lâu nay tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai quy chế hỗ trợ các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng và quảng bá thương hiệu; nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề, đặc sản truyền thống Huế. Thời gian tới UBND tỉnh và các sở ban ngành sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chính về phát triển tài sản trí tuệ như: nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn; Tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ; Tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng phát triển thương hiệu đặc sản để các sản phẩm được vươn cao và vươn xa hơn, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.315.388
Truy cập hiện tại 1.872 khách