slogan
Tìm kiếm
Nhiều kết quả ấn tượng trong năm doanh nghiệp 2017
Ngày cập nhật 06/12/2017

Năm 2017 là năm thứ 2 của giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Với chủ đề "Năm Doanh nghiệp, kỷ cương, kỷ luật hành chính", Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo toàn diện các ngành, các cấp thực hiện cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thông thoáng; chấn chỉnh môi trường đầu tư... nhờ đó đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu; hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và đi vào ổn định theo hướng bền vững.

Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Với quan điểm và tư duy đổi mới của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế từ đầu năm đó là lấy tư duy hỗ trợ doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý doanh nghiệp, trong năm 2017, Tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt trong công tác cải cách hành chính; tập trung chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong cơ quan hành chính nhà nước; tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, minh bạch thông qua việc nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Thực hiện Chương trình trọng điểm cải cách hành chính, hướng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hiện nay Tỉnh Thừa Thiên Huế đang gấp rút hoàn thiện công tác xây dựng những hạng mục cuối cùng để vận hành Trung tâm hành chính công tỉnh nhằm khai trương đi vào hoạt động đầu năm 2018, là bước quan trọng cho việc tập trung đầu mối xử lý thủ tục hành chính, đặc biệt là tạo sự thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp đến giao dịch. Bên cạnh đó, với việc thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, bộ máy cán bộ, công chức hành chính nhà nước của tỉnh cũng đã có những chuyển biến tích cực về tinh thần, thái độ trong việc thực thi công vụ, đặt mục tiêu sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân lên hàng đầu, tạo nên hiệu ứng khá tốt đối với doanh nhân và các nhà đầu tư.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế coi trọng. Đến nay có 1341 (60%) thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên (738 thủ tục mức độ 3 và 603 thủ tục mức độ 4). Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn đưa vào vận hành Cổng thanh toán trực tuyến tỉnh, đây là Cổng thanh toán trực tuyến đầu tiên trong cả nước kết nối với hệ thống thông tin của ngân hàng. Qua Cổng này, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại phí, lệ phí, nộp thuế bằng hình thức chuyển khoản điện tử.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công có phạm vi liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã với hệ thống thủ tục hành chính công trực tuyến tập trung và thống nhất tại địa chỉ duy nhất: https://dichvucong.thuathienhue.gov.vn; từng bước hoàn thiện mô hình thẻ điện tử doanh nghiệp, đã cấp mới 720 tài khoản điện tử doanh nghiệp, nâng số tài khoản được cấp lên 1200. Hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp một lần cho việc đăng ký 4 thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, tài khoản ngân hàng, con dấu trong thời gian 3 ngày. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký qua mạng; đến nay đạt 100% đăng ký thành lập mới qua mạng.

Chương trình cafe doanh nhân là dịp để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan lắng nghe, tiếp thu 
và tháo gỡ kịp thời những khó khăn của doanh nghiệp 

Một điểm mới trong năm 2017 trong việc tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với doanh nhân, doanh nghiệp đó là đã triển khai thường xuyên cafe doanh nhân mỗi tháng mỗi chuyên đề với sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành liên quan để lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ kịp thời khó khăn của doanh nghiệp cũng như phổ biến những định hướng chủ yếu về KT-XH của tỉnh năm 2017 đến cộng đồng doanh nghiệp...

Tỉnh cũng đã tập trung mọi nguồn lực, giải pháp cho doanh nghiệp phát triển về cả số lượng cũng như chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên, doanh nhân; thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp bằng nhiều hình thức; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, công bằng, an toàn, thân thiện và tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; khuyến khích mọi người dân thành lập doanh nghiệp mới; quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp…

Nhiều kết quả ấn tượng

Với những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực hiện chủ đề “Năm Doanh nghiệp” đã đưa số doanh nghiệp thành lập mới đến cuối năm 2017 dự kiến đạt 700 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm trước, với số vốn đăng ký hơn 6.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với 2016 (bình quân 9,3 tỷ đồng/doanh nghiệp). Ngoài ra, còn có hơn 350 doanh nghiệp, tập đoàn đã quyết định thành lập mở chi nhánh tại tỉnh, trong đó có các tập đoàn lớn như EcoPark, Vingroup, BRG,...

Một tín hiệu vui đó là có 196 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong các năm trước đã quay trở lại hoạt động trong năm 2017 này, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2016. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được triển khai một cách có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư có uy tín, năng lực trong nước và khu vực, có định hướng phát triển tương đồng với đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh... Tỉnh đã tổ chức tốt nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại các thị trường đầy tiềm năng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc gắn với việc hình thành nên mạng lưới chuyên gia hỗ trợ kêu gọi đầu tư tại nước ngoài, tạo nền tảng cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư bền vững, lâu dài tại các khu vực này. Việc mở rộng quan hệ xúc tiến đầu tư đã và đang tạo những điều kiện thuận lợi để Tỉnh có nhiều cơ hội lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng cao trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Nhiều doanh nghiệp của Hàn quốc mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên Huế
 
(Ảnh: Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trong chuyến xúc tiến, hợp tác đầu tư tại Hàn Quốc)

Công tác giám sát, theo dõi đôn đốc tiến độ triển khai các dự án được thực hiện quyết liệt. Theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã thu hồi 01 dự án, cảnh báo thu hồi 24 dự án nếu đến ngày 31/12/2017 không triển khai; đã yêu cầu nhà đầu tư các dự án thuộc diện giám sát đặc biệt (29 dự án) cam kết lại tiến độ, ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án. Một mặt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực có thể triển khai tốt dự án; đồng thời tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khác tiếp cận đất đai, đầu tư dự án, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thu hút 64 dự án (gồm 58 dự án trong nước và 6 dự án ngoài nước) với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.648 tỷ đồng, gấp 1,7 lần về lượng, tăng 2,3% về vốn. Dự kiến đến cuối năm 2017, thu hút khoảng 70 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn Banyan Tree đã có kế hoạch mở rộng đầu tư casino Laguna nâng tổng vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, điểm nổi bật của “Năm doanh nghiệp 2017” là mối quan hệ giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền ngày càng được thắt chặt; vị thế của cộng đồng doanh nghiệp được nâng cao, trình độ quản trị, năng lực tiếp cận thị trường của cộng đồng doanh nghiệp được từng bước củng cố; những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp được chính quyền chú trọng, quan tâm giải quyết kịp thời. Môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều khởi sắc đã kích thích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng kinh doanh. Nhiều dự án tạm dừng nhiều năm đã được tái đầu tư trở lại với tiến độ khá tốt, nhiều địa điểm kinh doanh mới, hướng đến phân khúc thị trường cao cấp hơn được mở ra, tạo nên sức sống cho đô thị cũng như nền kinh tế. Có thể nói đây là năm ghi dấu nhiều chuyển biến tích cực trong môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh so với các năm trở lại đây.

 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.315.388
Truy cập hiện tại 1.796 khách