slogan
Tìm kiếm
Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đòn bẩy cho phát triển
Ngày cập nhật 02/04/2018

Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua Nghị quyết về Quy định một số chính sách hỗ trợ DNNVV tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây được xem là đòn bẩy và tạo động lực mạnh mẽ cho DNNVV trên địa bàn tỉnh phát triển trong thời gian tới.

Yêu cầu cấp thiết

Nhận thức vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc đề ra và thực hiện các chính sách, chương trình, hoạt động cụ thể nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ DNNVV như về tài chính, tín dụng; chính sách ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư, pháp lý, lao động, khoa học và công nghệ, khởi nghiệp và các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực công thương như hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đặc sản Huế giai đoạn 2016 - 2020, chương trình khuyến công, hỗ trợ phát triển xuất khẩu và hỗ trợ các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi;...đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và sự quan tâm đối với công tác hỗ trợ phát triển DNNVV của địa phương.  

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 6.400 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm đến 99,09% và đóng góp 1.309 tỷ đồng, chiếm 39,07% trong số thu ngân sách từ doanh nghiệp (3.385 tỷ đồng). Riêng năm 2017, có 636 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới thì có đến 622 DNNVV (chiếm 97,8%). Tuy nhiên, các DNNVV trên địa bàn tỉnh không chỉ có khó khăn về vốn mà cũng đang gặp phải những khó khăn xuất phát từ nội tại như về năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; am hiểu về pháp luật, kiến thức hội nhập quốc tế, nhận thức về văn hóa kinh doanh…

Luật DNNVV đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, trong đó, quy định thẩm quyền của HĐND tỉnh quyết định chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, quyết định giao cho tổ chức tài chính nhà nước địa phương thực hiện đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và thông qua Đề án hỗ trợ DNNVV. Việc ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV không chỉ tạo điều kiện hỗ trợ nâng cao năng lực, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp phát triển mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển.

Các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết Nghị quyết tại kỳ họp

Đòn bẩy phát triển

Chính sách hỗ trợ DNNVV tập trung vào 7 nội dung: Hỗ trợ về thủ tục hành chính; Tài chính, tín dụngMặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệpĐổi mới công nghệsở hữu trí tuệ; Nguồn nhân lựcMở rộng thị trường và Thông tin, tư vấn. Ngoài ra, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về quản lý DN và hỗ trợ khởi nghiệp cho DNNVV. Dự kiếntổng nguồn vốn hỗ trợ hàng năm được bố trí từ ngân sách tỉnh khoảng 6,2 tỷ đồng.

Theo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh, việc ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV nhằm thể chế hóa các quy định của Trung ương, khẳng định rõ quyết tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DNNVV phát triển. Việc ban hành chính sách này cũng là giải pháp quan trọng góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018 và các năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, kết quả giám sát của Ban cho thấy, Tỉnh đang có lợi thế về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khi có nhiều trường đại học, cao đẳng; hàng năm có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp, trong đó có rất nhiều tài năng trẻ đã khởi nghiệp hoặc đang khát khao muốn khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo tại Huế. Các DN trẻ khởi nghiệp hiện nay mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ thuê văn phòng làm việc tại khu làm việc chung, cơ sở ươm tạo DN, nhưng hiện mới chỉ có một cơ sở ươm tạo là Công ty Coplus. Chia sẻ với ý kiến trên, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Trần Đức Minh đề nghị, UBND tỉnh cần nghiên cứu hỗ trợ, tạo điều kiện hình thành thêm những cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, trong đó ưu tiên hỗ trợ thành lập các cơ sở, đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ theo các chuyên ngành; ưu tiên quỹ đất, quỹ nhà để hình thành các khu làm việc chung, tăng cơ hội tiếp cận của DN khởi nghiệp đối các cơ sở ươm tạo này. 

Để chính sách hỗ trợ DNNVV sớm đi vào cuộc sống, tạo động lực mạnh mẽ cho DNNVV phát triển, nhất là thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp, các đại biểu HĐND đề nghị HĐND và UBND tỉnh tiếp tục quan tâm cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp. 

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.315.388
Truy cập hiện tại 18.449 khách