slogan
Tìm kiếm
Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (Xem tin ảnh)
Ngày cập nhật 10/09/2018

(MPI) - Trong khuôn khổ Chương trình “Ôxtrâylia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), ngày 05/9/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Tại Hội thảo, báo cáo sơ bộ về kết quả tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 và suy nghĩ về tìm kiếm động lực tăng trưởng cho giai đoạn 2019 - 2020 và các năm tiếp theo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, để triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 2 Nghị quyết nêu trên.

Nghị quyết số 27/NQ-CP gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ, ngành. Hầu hết các nhiệm vụ được giao đã được thực hiện đúng thời hạn và đạt kết quả ở các mức độ khác nhau. Theo đánh giá sơ bộ, 25,8% nhiệm vụ đã được triển khai và có hiệu quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức cao bao gồm ổn định kinh tế vĩ mô (66,7% số nhiệm vụ), cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (62,5% số nhiệm vụ), hoàn thiện thể chế kinh tế (35,7%) và cơ cấu lại đầu tư công (khoảng 33,3%). Các nhóm định hướng, chính sách lớn có tỷ lệ nhiệm vụ đạt kết quả rõ ràng ở mức thấp bao gồm: đổi mới cách thức liên kết giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; cơ cấu lại các ngành công nghiệp; phát triển thị trường các nhân tố sản xuất. Đánh giá chung, có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn một số tồn tại, hạn chế. Một là, một số bộ, ngành, địa phương chậm hoặc chưa ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 27. Hai là, một số nhiệm vụ được thực hiện chậm so với tiến độ được giao, một số nhiệm vụ xin lùi thời hạn, một số nhiệm vụ được thực hiện đúng thời hạn nhưng chưa tạo ra được các đột phá chính sách và có tác động rõ ràng trên thực tế. Ba là, các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế mang tính liên ngành, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp chỉ đạo, tổ chức triển khai, theo dõi và giám sát. Bốn là, sự lan tỏa về cải cách thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế còn yếu và chưa đồng đều. Năm là, việc thực hiện chế độ báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao còn một số hạn chế.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, các vấn đề cơ bản của giai đoạn đó là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng phục hồi, đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng có cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực so với trước nhưng cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bổ lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và “suy giảm năng lực nội sinh”. Việc tiếp tục duy trì tăng trưởng cao và bền vững là thách thức lớn, nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bổ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo các cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.

Thể chế quản lý đầu tư công chậm cải thiện. Nguồn: Đánh giá sơ bộ theo khung đánh giá của IMF (PIMA)

Từ những kết quả nêu trên, Báo cáo đưa ra ba nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất là tiếp tục thực hiện các giải pháp tại các Nghị quyết số 19 và 35, xử lý nợ xấu,… nhưng phải gia tăng quy mô, tốc độ và đảm bảo tính thực chất, đầy đủ, không hình thức, nửa vời. Nhóm thứ hai liên quan đến phân bổ nguồn lực, cần có các giải pháp mạnh được thực hiện một cách khác biệt, gồm: phát triển doanh nghiệp tư nhân, tập hợp các dự án đầu tư theo quy mô lớn của tư nhân trong nước trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ,… Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thay vì nỗ lực tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, cần tập trung thực hiện tái cơ cấu toàn diện, tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Cùng với đó, tái cơ cấu đầu tư nhà nước gắn với ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tăng cường vị thế vùng động lực tăng trưởng của thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Trung Trung Bộ.

Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, cần rà soát danh mục dự án đầu tư, yêu cầu bố trí vốn đầu tư nhà nước vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, quan trọng thuộc ba vùng động lực tăng trưởng nói trên. Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tập trung vốn đầu tư của địa phương cho các dự hạ tầng quan trọng trên địa bàn. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính cũng như vướng mắc trong việc triển khai dự án để đảm bảo hoàn thành đúng hoặc sớm hơn tiến độ kế hoạch.

Cùng với đó, về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ cần cho phép các địa phương thí điểm tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với cơ cấu lại tổ chức sản xuất quy mô lớn, hiện đại, xây dựng nông thôn mới không chỉ là phát triển hạ tầng, mà trọng tâm phải là sinh kế cho người dân, đô thị hóa nông thôn,…Về tái cơ cấu công nghiệp gắn với tập trung hỗ trợ thực hiện các dự án quy mô lớn của tư nhân, của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển công nghiệp chế biến.

Nhóm giải pháp thứ ba là nghiên cứu chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo, vừa hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hội nhập, vừa chuyển đổi sang kinh tế số, tận dụng cơ hội Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI)

Chia sẻ về một số thách thức trong cải cách tài chính công ở Việt Nam, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, các thách thức với chính sách tài khóa và quản lý tài chính chính công đó là thu, chi ngân sách nhà nước, bội chi và nợ công, việc phân cấp tài khóa và cơ chế quản lý tài chính. Trong đó, về chính sách thu NSNN, nhiều nguồn thu NSNN chưa bền vững, việc ưu đãi thuế gây hệ quả với NSNN,… Về chi NSNN, kỷ luật ngân sách, quy mô chi tiêu, điều chỉnh cơ cấu lại chi tiêu, chi đầu tư phát triển là các thách thức lớn. Bên cạnh đó, những vấn đề của đầu tư công như hiệu quả đầu tư thấp, đầu tư cho nông nghiệp thấp so với yêu cầu, kỷ luật trong đầu tư công kém, vai trò lớn của đầu tư từ khu vực nhà nước, nhất là từ NSNN,…

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Trình bày về vấn đề tái cơ cấu ngành công thương và kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, với việc tái cơ cấu ngành công thương, cán cân thương mại đã chuyển dịch từ thâm hụt sang thặng dư, Việt Nam lần đầu tiên cán mức xuất khẩu trên 200 tỷ USD vào năm 2017, đạt thành tích về đích sớm trong kiểm soát nhập khẩu gia tăng xuất khẩu và duy trình được thặng dư cán cân thương mại cả hai năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018.

Việc tái cơ cấu sẽ giúp hoàn thành 06/12 chỉ tiêu cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm: nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong GDP; tăng tốc độ xuất khẩu hàng hóa và kiểm soát nhập siêu; tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp; tốc độ tăng trưởng đầu tư vào công nghiệp cao hơn mức bình quân toàn xã hội; tăng trưởng của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo trung bình từ 8-10% và thu hẹp khoảng cách về chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN 4; hệ số tiêu hao năng lượng năm 2020 dự kiến khoảng dưới 8%.

Trong quá trình tái cơ cấu ngành công thương và kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, vẫn còn một số điểm nghẽn như: Tái cơ cấu ngành công nghiệp chưa đi vào thực chất, giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế tạo/GDP thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực; phân bổ giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp chế tạo, trong lĩnh vực thương mại còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết về xuất khẩu, nhập khẩu và thị trường trong nước.

Với quan điểm, định hướng tiếp tục cụ thể các nhiệm vụ tại Đề án tái cơ cấu ngành công thương, có điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển ngành công thương và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ưu tiên vào xử lý các điểm nghẽn về chính sách, thể chế và tiếp cận tích cực hơn các nguồn lực cho phát triển công nghiệp của các thành phần kinh tế, đảm bảo thực thi đầy đủ nguyên tắc cơ chế thị trường trong huy động nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp. Đồng thời, khai thác có hiệu quả hội nhập quốc tế về kinh tế và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mục tiêu làm tỷ trọng đóng góp của công nghiệp trong GDP tăng; tăng năng suất lao động, tỷ trọng của ngành công nghiệp công nghệ cao, vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên. Thu hẹp được khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN 4. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam có một ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sau vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, hình thành một số doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, hình thành một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong các ngành ưu tiên.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu thảo luận tại Hội thảo để làm rõ thêm các nội dung của báo cáo và các bình luận, các đại biểu cho rằng, Báo cáo nên nhất quán về giai đoạn đánh giá, có đối tượng đánh giá cụ thể hơn như có so sánh với các nước ASEAN 4, các nước trung bình thấp, các nước láng giềng như Trung Quốc. Liên quan đến đánh giá kết quả, báo cáo mới đánh giá kết quả về tái cơ cấu đầu tư công, vì vậy nên bổ sung đánh giá về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bằng việc có đánh giá về chứng khoán và thị trường vốn, với các chỉ tiêu đánh giá như: nợ xấu nội bản, nợ xấu do Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý… Bổ sung chỉ tiêu xếp hạng của quốc tế về môi trường cạnh tranh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và liên quan đến chi phí logistic.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, Báo cáo cần bổ sung thêm số liệu về số doanh nghiệp nhà nước thoái vốn, cổ phần hóa so với kế hoạch đề ra, số doanh nghiệp thô lỗ, chỉ số số doanh nghiệp/1000 dân và phân tích thêm về hộ gia đình,…/.

Thúy Quyên

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.292.725
Truy cập hiện tại 392 khách