slogan
Tìm kiếm
Tạo thuận lợi cho đầu tư Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao
Ngày cập nhật 15/06/2018

Sáng 14/6, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại trực tuyến với cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Buổi đối thoại dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và đại diện các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành nông nghiệp, nhất là các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật và các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân và thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, đây là bài toán không đơn giản, bởi đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, việc áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ có sự tham gia của người nông dân mà cần sự đầu tư, liên kết hợp tác của nhiều thành phần kinh tế, nhất là từ doanh nghiệp.

Để giải bài toán này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, ngoài vai trò của Nhà nước với những chính sách mang tính định hướng, gợi mở thì cần có sự chung tay của toàn xã hội cũng như sự “dấn thân” từ các doanh nghiệp. Vì vậy, trong buổi đối thoại hôm nay, trên tinh thần trao đổi, cầu thị, Lãnh đạo tỉnh mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết, đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Với chủ đề Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao: Cơ hội và thách thức”, buổi đối thoại đã nhận được gần 100 câu hỏi của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp liên quan đến chủ trương, định hướng và các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản sạch; những vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; các ngành, nghề và các loại cây, con, thủy hải sản nào được khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ phát triển theo tiêu chuẩn VIETGAP và chuỗi giá trị; chính sách ưu đãi nguồn vốn vay đầu tư sản xuất công nghệ cao và bảo quản sản phẩm nông sản; các chính sách miễn, giảm thuế đối với việc áp dụng công nghệ sản xuất nông nghiệp cao của các nước trên thế giới ...

Sau hơn 2 giờ đối thoại, các câu hỏi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp gửi đến đã được Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan trả lời, giải đáp một cách chu đáo, đầy trách nhiệm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm và chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa, sớm khắc phục những bất cập, những tồn tại nêu lên tại buổi đối thoại này nhằm thu hút các thành phần kinh tế trong xã hội tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của tỉnh và quốc gia cả trước mắt và lâu dài. 

Quý vị bạn đọc theo dõi nội dung trả lời tại chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” trên Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (địa chỉ www.thuathienhue.gov.vn).

 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.277.775
Truy cập hiện tại 66 khách