slogan
Tìm kiếm
Hội thảo phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế
Ngày cập nhật 18/03/2019

Sáng ngày 16/3, Sở Khoa học và Công nghệ phối với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch và UBND thành phố Huế tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế". Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Phan Ngọc Thọ chủ trì buổi hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế, các chuyên gia phát triển thương hiệu, các nhà thiết kế áo dài nổi tiếng ở Huế và trong nước, các cơ sở doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áo dài trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt hội thảo có sự tham dự của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) và Công ty tư vấn xây dựng thương hiệu Áo dài Huế...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, là vùng đất văn hóa truyền thống với bao sản vật nổi tiếng như ẩm thực Huế, nghề truyền thống Huế, văn hóa Huế, áo dài Huế đã thực sự trở thành một trang phục nổi tiếng của vùng đất x Huế. Trải qua nhiều thời kỳ, áo dài đã được phụ nữ Huế sử dụng như một trang phục thường xuyên, từ đó áo dài đã tô lên vẻ đẹp riêng có cho người con gái Huế. Từ những năm 1990 trở lại đây, áo dài Huế đã dần dần được hồi sinh với diện mạo mới của một "Thủa vàng son". Những lễ hội áo dài Huế gắn với Festival Huế và Festival truyền thống Huế đã đánh thức vẻ đẹp kiêu sa, đài các của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Huế nói riêng.

Tuy nhiên, áo dài Huế đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch nổi trội, mang lại giá trị từ chất lượng đến thẩm mỹ của người dân và khách du lịch hay chưa là một vấn đề lớn cần phải nhìn nhận tổng thể từ góc độ nghiên cứu khoa học lịch sử, văn hóa truyền thống và ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, các nhà thiết kế thời trang áo dài hiện đại. Vì vậy, Hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu Áo dài Huế" mục tiêu hướng tới trước hết là để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa truyền thống đối với trang phục áo dài Huế, đưa áo dài Huế trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống và duyên dáng của người phụ nữ Cố đô. Đồng thời, tìm ra những ý tưởng và các giải pháp phát triển thương hiệu áo dài Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của Cố đô Huế.

Áo dài truyền thống Huế qua bàn tay thiết kế của các nhà thời trang đương đại 

Từ cách đặt vấn đề của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, Hội thảo đã nghe nhiều thảo luận tâm huyết của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế, các nhà thiết kế thời trang và các chuyên gia về phát triển thương hiệu đã đưa ra nhiều ý tưởng và những giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống của tà áo dài Huế cũng như phát triển áo dài Huế trở thành thương hiệu đặc sắc, biểu trưng của Huế. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, Thừa Thiên Huế có thể đi tiên phong vận động khôi phục lại Quốc phục áo dài Việt Nam cho cá nhân nam và nữ; khôi phục áo dài Nhật Bình Huế và áo dài ngũ thân của nam giới. Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, tiến sĩ Trần Đình Hằng thì đề xuất Huế cần xây dựng trung tâm lễ phục truyền thống để phát huy giá trị đặc trưng của áo dài Huế.

Về xây dựng thương hiệu áo dài Huế, theo nhà thiết kế Minh Hạnh, bên cạnh tăng cường truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm thì Huế cần có "Phố may áo dài" và xây dựng không gian áo dài để tạo tính chuyên nghiệp nhằm nâng tầm áo dài Huế không chỉ trong con mắt khách du lịch mà còn để phát triển thị trường. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VKSTAR, bà Nguyễn Lan Vy cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần có chính sách hỗ trợ để tổ chức thường xuyên các "Show diễn thời trang áo dài Huế", bởi từ các Show diễn này không chỉ góp phần hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống mà còn để giới thiệu và không gian trải nghiệm chân thực cho du khách về tà áo dài Huế...

Toàn cảnh hội thảo 

Giám đốc Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Lê Đăng Thọ cho hay, với lợi thế về truyền thống văn hóa và đội ngũ thợ may đo lành nghề, hiện nay là thời điểm chín muồi để Thừa Thiên Huế thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế. Vì vậy, địa phương cần phải thành lập hiệp hội sản xuất kinh doanh áo dài Huế. Hiệp hội chính là là người chủ đơn đứng ra đăng ký nhãn hiệu tập thể cho áo dài Huế và sau này giúp cho tỉnh quản lý và phát triển nhãn hiệu lâu dài cho sản phẩm.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng và đề xuất rất sát thực của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, nhà thiết kế và các doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu áo dài Huế. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để áo dài trở thành thương hiệu lớn và đặc trưng của Huế Về tên gọi thương hiệu, Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đảm bảo ngắn, gọn và dễ nhớ và sẽ lấy ý kiến góp của những chuyên gia về xây dựng thương hiệu.

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.284.329
Truy cập hiện tại 2.532 khách