slogan
Tìm kiếm
Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2022
Ngày cập nhật 08/12/2021

Thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-VPCP ngày 21/10/2020 của Văn phòng Chính phủ quy định chế độ báo cáo định kỳ và quản lý, sử dụng, khai thác Hệ thống thông tin báo cáo; Công văn số 8350/VPCP-TH ngày 15/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế kính báo cáo tình hình và kết quả triển khai thực hiện như sau:

I. Tình hình và kết quả triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

1. Công tác chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện

Thực hiện Nghị quyết số 124/2020/QH14 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU, ngày 03/12/2020 và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2021 về việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Kế hoạch 25/KH-UBND ngày 23/01/2021 triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021; Kế hoạch 21/KH-UBND ngày 20/01/2021 tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh năm 2021 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ; trong đó, tập trung triển khai 08 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2021; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 để cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 -2025 và 06 Kế hoạch thực hiện 06 Chương trình trọng điểm năm 2021; đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành chương trình công tác năm 2021 và tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể của từng ngành, từng địa phương nhằm triển khai thực hiện hoàn thành, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trên cơ sở Kết luận thường kỳ và các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã kịp thời bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm phòng, chống, ngăn chặn và kiểm soát đại dịch Covid-19; xây dựng các kế hoạch triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động, doanh nghiệp,...Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã dành nhiều thời gian làm việc với các Sở, ngành, địa phương để chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của các Sở, ngành, địa phương.

2. Những kết quả đạt được

2.1. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19

Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thực hiện việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch, công tác thực hiện trong phòng, chống dịch dịch Covid-19 tại các đơn vị. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh . Tiếp tục tổ chức thường trực, báo cáo công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Xây dựng kịch bản khi có F0 với phương châm “Chính quyền chỉ đạo, Công an truy vết, quân đội cách ly, y tế dịch tễ” và thực hiện “truy vết thần tốc, xét nghiệm nhanh nhất, khoanh vùng kịp thời, dập dịch sớm nhất”. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ y tế, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân theo phân tuyến. Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai rộng rãi, nhanh chóng ứng dụng “Thẻ kiểm soát dịch bệnh” bằng mã QR Quốc gia nhằm thống nhất các nền tảng công nghệ trong công tác phòng chống dịch Covid-19  cũng như các giải pháp hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ người dân.

Đến ngày 16/11/2021, đã nhận 858.634 liều vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ số người đã tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin/số người trên 18 tuổi: 68,32%.

Đến ngày 18/11/2021, Toàn tỉnh có 1.989 ca F0; hiện đang điều trị 697 ca, đã điều khỏi 1.287 ca, có 05 bệnh nhân tử vong. Đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú: 15.778 trường hợp (trong đó: cách ly tại cơ sở y tế: 37; cách ly tại nơi lưu trú: 14.389; tại cơ sở cách ly tập trung: 1.352).

Ngoài bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh đã thành lập 4 bệnh viện điều trị Covid-19  với khoảng 938 giường bệnh để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo các phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lực lượng y tế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chi viện 815 y bác sĩ vào chống dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; Bệnh viện Trung ương Huế được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh - là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19.

2.2. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19

Tập trung triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động và doanh nghiệp: Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các nghị quyết về hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện,...UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6599/UBND-XDCB ngày 27/7/2021 triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 20/10/2021 thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

UBND tỉnh đã cùng với các doanh nghiệp tham dự các hội nghị trực tuyến do Chính phủ tổ chức để nghe báo cáo tình hình hoạt động và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp,…Tổ chức nhiều hội thảo, gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp để đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền thông tin đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động yên tâm, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc chi hỗ trợ cho 03 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với 120.668 người (tổng kinh phí 127,923 tỷ đồng) theo định mức quy định của Chính phủ; hỗ trợ 41.939 đối tượng lao động với tổng kinh phí 42,150 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hỗ trợ 12 doanh nghiệp, đơn vị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng số tiền 5,47 tỷ đồng; Ngân hàng chính sách - chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ cho vay 02 doanh nghiệp với tổng kinh phí 444,185 triệu đồng (gồm 219 lao động) theo Nghị Quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về sửa đổi Nghị quyết số 42/NQ-CP trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ 49,185 tỷ đồng cho 118.907 đối tượng theo theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Thực hiện chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Số đơn vị dự kiến được giảm mức đóng BHTN: 2.363 đơn vị; số người lao động được giảm mức đóng BHTN: 73.522 người; số tiền giảm đóng BHTN: 40,041 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Số người đã được hỗ trợ 3.300 người, tổng số tiền hỗ trợ 7,924 tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác tỉnh đã hỗ trợ cho 8.052 hộ gia đình gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch với tổng số tiền là 8,052 tỷ đồng.

2.3. Về chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2021 về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 để cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, đã tập trung triển khai 6 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong năm 2021.

a) Tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế trong bối cảnh chịu sự tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm hạn chế tác động, ảnh hưởng của dịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để điều hành linh hoạt, sáng tạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Kết quả đạt được cụ thể như sau:

Đã có 09/13 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,49%. Trong đó:

- Du lịch, dịch vụ: tăng trưởng ước đạt 2,06%, đặc biệt doanh thu du lịch giảm sâu (giảm 55% so với năm 2020; giảm 80% so với năm 2019). Trong đó: Về du lịch: Dự ước cả năm 2021, lượng khách du lịch ước đạt 1-1,2 triệu lượt khách, đạt 50% KH (theo phương án thấp: 2-2,2 triệu lượt khách)[1], giảm 30-40% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch ướt đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 40% KH, giảm 55% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm ước đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, bằng 109,7% KH năm. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.000 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, bằng 109% KH năm; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 750 triệu USD, tăng 38%, vượt 130% KH. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải 3.182 tỷ đồng, tăng 3,1%

- Công nghiệp, xây dựng: Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 7,59%[2]; Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 38.000 tỷ đồng, tăng 7,59%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước đạt 5,9%. Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2021 (theo giá so sánh) ước đạt 9.200 - 9.300 tỷ đồng, tăng 5,2-5,8%. Mặc dù bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, một số sản phẩm chủ lực vẫn duy trì mức sản xuất khá như Bia, sợi các loại, quần áo lót, xi măng, mem frit,....

- Sản xuất nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp ước đạt 7.300-7.400 tỷ đồng, tăng 3,48%[3]. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; Diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt 54.070ha[4], năng suất ước đạt 63,6 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với năm 2020; sản lượng ước đạt 342,7 nghìn tấn, tăng 22,3 nghìn tấn. Diện tích các loại cây trồng khác có tăng so với cùng kỳ. Các lĩnh vực lâm nghiệp; chăn nuôi gia cầm, tái đàn lợn; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tiếp tục được quan tâm, duy trì và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 59/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 62,8%).

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 9.700 tỷ đồng, bằng 160% dự toán, tăng 6,3% với thực hiện so với thực hiện cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 10.981 tỷ đồng, bằng 102,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25.545 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ, trong đó, vốn đầu tư công chiếm 20%, đã giải ngân 2.925,7 tỷ đồng, đạt 58,5% KH vốn giao trong năm (tính đến 31/10/2021). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.000 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, bằng 109% KH năm; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 750 triệu USD, tăng 38%, vượt 130% KH. Đã cấp phép cho 33 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 14.837,1 tỷ đồng[5]. Có 514 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.885,6 tỷ đồng.

b) Tập trung chỉ đạo điều hành phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội 

Lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học - công nghệ được tập trung chỉ đạo. Xây dựng và ban hành các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: Văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Tỉnh đã triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022, chủ động các kịch bản để tổ chức dạy và học đảm bảo an toàn dịch bệnh; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia; đến nay, toàn tỉnh hiện có 383 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 67%. Đã ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát tình hình dịch Covid-19; công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân cơ bản thực hiện tốt.

Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo. Đã triển khai đồng bộ, kịp thời, công khai, minh bạch các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch; đã hỗ trợ 49,185 tỷ đồng cho 118.907 đối tượng theo quy định Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho 14.737 lao động, đạt 92,1% kế hoạch (Trong đó, có 482 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Công tác an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo.

c) Tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh

- Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Các chỉ số cải cách hành chính có nhiều tiến bộ: Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2020) tăng 10 bậc xếp vị thứ 3 (sau Quảng Ninh, Hải Phòng); PCI xếp vị thứ 17 (tăng 3 bậc so với năm 2019); PAPI nằm trong top 10 của cả nước; ứng dụng CNTT (ICT-index) năm 2020 giữ nguyên vị trí thứ 2 so với năm 2019; Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế (năm thứ 2 liên tiếp) đạt giải thưởng Sao Khuê ở lĩnh vực “Các nền tảng chuyển đổi số”. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã,…

- Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đặc biệt, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các cấp, các ngành và địa phương đã chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án nhằm đảm bảo tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các phương án, đề án, kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và địa phương, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông[6]. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và tập trung xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến dịch Covid-19[7].

3. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị

Tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, trong đó đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương có liên quan xây dựng hoàn thành các Đề án:

3.1. Đối với Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế[8]: Đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021.

3.2. Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế: Đã được Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Gồm 06 cơ chế, chính sách cụ thể như sau: (1) Phí tham quan di tích; (2) Quỹ bảo tồn di sản Huế; (3) Quy định mức dư nợ vay; (4) Về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý; (5) Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thừa Thiên Huế không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh; (6) Được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số.

3.3. Về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210, 1211 của UBTVQH: UBND tỉnh đã có văn bản tham gia góp ý gửi các Bộ, ngành Trung ương; hiện nay, Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ đang hoàn thiện sửa đổi một số điều Nghị quyết 1210 về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về phân loại đơn vị hành chính của thành phố trực thuộc trung ương (trong đó có tính đến yếu tố đặc thù đối với Thừa Thiên Huế) theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất áp dụng trên toàn quốc trình UBTVQH xem xét, quyết định.

3.4. Ngoài ra, tỉnh đã cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia về xây dựng Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế.

4. Kết quả thực hiện các đề án trong chương trình công tác

4.1. Tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ

a) Chỉ đạo thực hiện Quy chế làm việc và các phiên họp của UBND tỉnh

Năm 2021, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc, các địa phương tích cực chuẩn bị và trình các đề án được phân công nhằm triển khai các văn bản Trung ương, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, phục vụ yêu cầu chỉ đạo, điều hành; rà soát, đôn đốc thực hiện Chương trình công tác hàng tháng, hàng quý. Nhìn chung, việc thực hiện chương trình công tác, chế độ thông tin báo cáo có tiến bộ; các báo cáo định kỳ của các Sở, ngành, cơ quan, địa phương bước đầu được cập nhật phục vụ phiên họp thường kỳ, cung cấp thông tin, dự báo định kỳ giúp UBND tỉnh xem xét, quyết định các giải pháp chỉ đạo, điều hành…

Đẩy mạnh cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện đúng các quy định về chế độ hội họp, các phiên họp thường kỳ, các cuộc họp giao ban hàng tuần theo quy chế của UBND tỉnh. Trong năm 2021, UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức hơn 900 phiên họp, làm việc để giải quyết các vấn đề lớn phát sinh trong chỉ đạo điều hành; thông qua các Đề án, Chương trình, Kế hoạch theo Chương trình công tác của UBND tỉnh; đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Các phiên họp, làm việc trên đều được chuẩn bị kỹ về nội dung, triệu tập đúng thành phần; các vấn đề thảo luận được kết luận rõ ràng, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cơ quan, đơn vị. Các cuộc họp trực tuyến được áp dụng phổ biến, thường xuyên hơn, nhất là trong giai đoạn có dịch bệnh Covid-19 (trong năm 2021, UBND tỉnh đã tổ chức gần 500 phiên họp theo hình thức trực tuyến).

Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch đã tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 09/09 địa phương cấp huyện để nắm tình hình kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề vướng mắc của các địa phương và chuẩn bị nội dung phục vụ xây dựng chương trình công tác 2021.

Đã tổ chức đón tiếp và làm việc Đoàn công tác Ủy ban Pháp luật Quốc hội về Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ Tư pháp về thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Đoàn Kiểm toán Nhà nước kiểm toán chuyên đề Chương trình “Hỗ trợ thực hiện hai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”; Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khảo sát thực trạng phát triển trang trại nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn; Đoàn kiểm tra giám sát của Quốc hội về công tác bầu cử; Đoàn công tác của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương; Đoàn Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra dự án cao tốc; Đoàn công tác của Quốc hội, Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về công tác bầu cử; đoàn kiểm tra Bộ Tài nguyên và Môi trường về thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ; với Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; với Thủ tướng Chính phủ về các cơ chế đặc thù đối với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;  ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số toàn diện giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn Viettel; ký kết hợp tác về CNTT và viễn thông giai đoạn 2021-2025 giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn VNPT…

b) Về xây dựng và thực hiện Chương trình công tác

          Trên cơ sở Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế làm việc của UBND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình công tác cụ thể hàng năm, có sự phân công trách nhiệm cho từng thành viên UBND tỉnh đảm bảo khoa học, hiệu quả, sát thực tiễn, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành; phát huy tốt vai trò người đứng đầu các cơ quan chuyên môn trực thuộc trong công tác tham mưu ở từng lĩnh vực được phân công phụ trách, trong đó quy định cụ thể thời gian, trách nhiệm quản lý, đánh giá hiệu quả công việc, mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

          Cụ thể trong năm 2021, căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình công tác năm 2021 (số 01/QĐ-UBND ngày 01/01/2021) gồm 309 báo cáo chuyên đề, đề án, chương trình, kế hoạch, tờ trình, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện, Chương trình công tác của UBND tỉnh được định kỳ rà soát theo tháng, quý để kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và chỉ đạo của Trung ương nhằm thực hiện tốt nhất các nội dung theo kế hoạch đề ra. Tất cả các nội dung quan trọng và những nội dung theo quy định của Luật đều được tập thể UBND tỉnh bàn bạc dân chủ, thống nhất. Việc tổ chức các phiên họp của UBND tỉnh được thực hiện đúng quy chế làm việc. Đánh giá sơ bộ, các nội dung đề ra trong năm của Chương trình công tác được thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

4.2. Tình hình thực hiện các Chương trình, Đề án

Đã xây dựng trình HĐND tỉnh 133 Đề án tại các kỳ họp thường kỳ và chuyên đề của HĐND tỉnh khóa VII và khóa VIII cụ thể một số Đề án lớn quan trọng được thông qua: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; kế hoạch nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030; Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025; Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng Khu phi thuế quan Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; Quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho người phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; Quy định phân cấp nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng ... và các Báo cáo thường kỳ.

Tính đến ngày 30/11/2021, UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông qua 169/248 chương trình, đề án, báo cáo, văn bản QPPL (gọi chung là Đề án) đạt tỷ lệ 68%/KH 11 tháng, 35 Đề án đưa ra khỏi Chương trình công tác chiếm tỷ lệ 11,3%, có 33 Đề án chuyển qua năm 2022 để thực hiện chiếm tỷ lệ 10,67%, 28 Đề án còn hạn hoàn thành trong tháng 12/2021.

Nhìn chung, Chương trình công tác của UBND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, việc điều chỉnh tiến độ trình các đề án cơ bản được khắc phục, đặc biệt là đa số các Đề án chuyển tiếp từ năm 2020 đã hoàn thành. Chất lượng dự án, đề án, văn bản đã được nâng lên, phù hợp và đồng bộ, có tác động tích cực đối với đời sống xã hội. Các đề án quan trọng trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cơ bản được chuẩn bị đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, quy định và đã có chuyển biến tích cực.

5. Kết quả tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Căn cứ Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cụ thể việc giải quyết đến từng cơ quan, đơn vị và yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các nhiệm vụ và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đúng thời hạn. Cụ thể, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 30/11/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tổng số 59 nhiệm vụ; trong đó, số nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn là 25; số nhiệm vụ chưa hoàn thành là 24 (trong đó có 24 nhiệm vụ đều trong hạn đang thực hiện).

6. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành

a) Một số tồn tại, hạn chế: Đã có 05 chỉ tiêu không đạt, gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP), GRDP bình quân đầu người, giá trị xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm mới. Sản xuất nông nghiệp vẫn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ; công tác lập, quản lý quy hoạch, chất lượng quy hoạch có mặt còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế, bất cập; tiến độ đầu tư các dự án ngoài ngân sách còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công chưa hoàn thành kế hoạch…; công tác cải cách hành chính tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa thực sự vững chắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định như: cho vay nặng lãi, tệ nạn đánh bạc, lô đề, cá độ tỷ số qua mạng, trộm cắp tài sản, ma túy,...

b) Nguyên nhân:

- Nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng nặng nề thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các đợt bão, lũ xảy ra thường xuyên đã tác động lớn đến việc phát triển các ngành, lĩnh vực; trong đó, một số ngành chịu tác động trực tiếp như: Du lịch, dịch vụ, vận tải, xuất nhập khẩu, nông nghiệp,…

- Nguyên nhân chủ quan: Công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp có lúc, có việc còn bị động, lúng túng, chưa thực sự toàn diện, sâu sát; thiếu sự đôn đốc, kiểm tra, giám sát và chưa gắn trách nhiệm cá nhân với từng công việc ở từng ngành, lĩnh vực được phân công, phụ trách nên kết quả đạt được trên một số mặt chưa cao. Công tác phối hợp, tham mưu của một số Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ. Một số cán bộ, công chức trách nhiệm thực thi công vụ chưa cao.

II. Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá năm 2022

1. Tập trung các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đẩy nhanh công tác tiêm chủng phòng Covid-19 theo quy định. Nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động kịch bản ứng phó kịp thời với từng cấp độ dịch Covid-19 gây ra.

2. Tập trung phục hồi tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế; Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân/năm: 6,5 - 7,5%. Trong đó, tập trung ưu tiên các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch: Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế và đôn đốc triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các dự án phát triển hạ tầng sản xuất, khu du lịch,…để đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư. Tập trung tháo gỡ những nút thắt trong chỉ đạo, điều hành công tác giải phóng mặt bằng; chuẩn bị sẵn sàng kêu gọi đầu tư, giám sát đầu tư; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

 - Tập trung các nguồn lực hỗ trợ phục hồi và phát triển dịch vụ, du lịch trong giai đoạn bình thường mới; phát triển du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch, giai đoạn 2021-2025 nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong trạng thái bình thường. Triển khai đồng bộ, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Chủ động xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ kích cầu phát triển du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đổi mới mô hình kinh doanh, phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của khách du lịch trong trạng thái bình thường mới.

- Tập trung triển khai có hiệu quả các nội dung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ưu tiên huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư và đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI từ các nước sang Việt Nam mà tỉnh đang có tiềm năng, lợi thế và nhu cầu sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Hoàn thành tiêm vắc xin cho người lao động, công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp quyết định chủ trương đầu tư sớm đi vào hoạt động góp phần tăng năng lực sản xuất.   

- Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới . Phát triển các mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng các sản phẩm OCOP tại các địa phương. Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ. Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn, nhất là các HTX sản xuất nông nghiệp. Tập trung phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ FSC, trồng cây bản địa,…Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung ứng dụng công nghệ cao, nuôi theo quy trình VietGap, GlobalGap, Bio-Floc,…

- Tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch đầu tư công năm 2022. Tập trung phối hợp, chỉ đạo các dự án trọng điểm của Trung ương, tỉnh. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa như: Tuyến đường bộ ven biển, Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc,...Tập trung hoàn thành các dự án tái định cư phục vụ di dời các hộ dân khu vực I, kinh thành Huế; đầu tư nâng cấp một số tuyến đường nội thị quan trọng ở các đô thị,...

- Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách; chống thất thu; chi chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả. Phấn đấu thực hiện thu ngân sách trên địa bàn tăng 10 - 12% so với năm 2021. Tiếp tục ưu tiên ngân sách cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới và thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội.

          - Quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động để triển khai thực hiện 04 Nghị quyết chuyên đề quan trọng của Tỉnh uỷ về: Văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ và giáo dục & đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

- Tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung,…rà soát, bổ sung phương án phòng, tránh thiên tai, bão lụt năm 2022. Chỉ đạo thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đặc biệt là Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của UBTVQH về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế; Nghị quyết số 38/2021/QH15 ngày 26/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đổi mới tư duy, sáng tạo trong giải quyết công việc, gắn việc chỉ đạo, điều hành với theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với tăng cường chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Trên đây là Báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kính báo cáo Văn phòng Chính phủ./.



[1] Kế hoạch số 281/KH-UBND ngày 26/12/2020 về triển khai Chương trình  PTVH DL- DV tỉnh năm 2021, trong đó đưa ra 03 kịch bản tăng trưởng theo tình hình dự báo dịch Covid-19

       Phương án

 

 

Chỉ tiêu

Phương án thấp

(chưa được kiểm soát tốt cả trong nước và quốc tế)

Phương án trung bình

(được kiểm soát tốt trong nước nhưng nhiều đường bay quốc tế chưa hoạt động)

Phương án cao:

Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt trong nước và trên thế giới

Thu hút lượt khách

2 – 2,2 triệu lượt (chủ yếu là khách nội địa), bằng hoặc tăng 10% so với cùng kỳ (chiếm 38 – 42% so với năm 2019)

3 – 3,5 triệu lượt (khách nội địa chiếm 80%), tăng 50 – 75% so với cùng kỳ (chiếm 58 – 68% so với năm 2019)

4 - 4,5 triệu lượt (khách nội địa chiếm khoảng 70-80%), gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ (chiếm 75 – 85% so với năm 2019)

Doanh thu

4.000 – 4.400 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.

6.500 – 7.000 tỷ đồng, tăng 60 - 70% so với cùng kỳ.

hơn 8.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ

 

[2] Nhờ một số sản phẩm chủ lực vẫn duy trì mức sản xuất khá, vượt kế hoạch như bia, sợi, may mặc, điện,.... đồng thời một số năng lực mới đi vào hoạt động dự án thủy điện Sông Bồ, Thượng Nhật, dự án điện mặt trời Phong Điền II, NM chế xuất Billion Max Việt Nam-giai đoạn II; NM tấm đá thạch anh nhân tạo Lux Quartz,…;

[3] Nhờ ứng dụng công nghệ cao, VietGAP, hữu cơ, .... đạt năng suất lúa cao, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại từng bước tạo ra sản phẩm theo hướng hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

[4] Trong đó: Đông Xuân 28.380 ha, Hè Thu 25.530 ha, lúa mùa (A Lưới) 160 ha.

[5] Trong đó: cấp mới 14.130,5 tỷ đồng và vốn tăng thêm 706,6 tỷ đồng

[6] Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ; từ đầu năm đến ngày 14/11/2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 201 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 59 vụ; làm chết 123 người, giảm 15 người; bị thương 135 người, giảm 60 người.

[7] Trong đó: Đã phát hiện, xử lý 08 trường hợp tung tin sai sự thật lên mạng xã hội, phạt tiền 84 triệu đồng; lập 03 biên bản vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc đối với mặt hàng khẩu trang, phạt 12,5 triệu đồng; đặc biệt, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử lý 447 trường hợp vi phạm hành chính (trong đó: 398 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng; 02 trường hợp đưa chất có nồng độ cồn (rượu) vào khu cách ly tập trung; 10 cơ sở không khai báo lưu trú, tạm trú; 25 cơ sở không tạm ngưng kinh doanh; 06 cơ sở lưu trú tiếp tục hoạt động đón khách; 05 trường hợp không áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người; 01 trường hợp có hành vi “báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, 02 cơ sở Karaoke hoạt động trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, xử phạt hơn 183,6 triệu đồng.

[8] Theo đó, diện tích tự nhiên tăng từ 70,61 km2 lên 265,99 km2 và quy mô dân số tăng từ 355.789 người lên 652.572 người; số ĐVHC cấp xã tăng từ 27 lên 36 đơn vị (trong đó: tăng từ 27 lên 29 phường và tăng 07 xã) và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP.Huế.

 

Tập tin đính kèm:
       
Tin khác
xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.286.613
Truy cập hiện tại 543 khách