slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Du lịch được xác định là là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng du lịch phát triển đồng nghĩa với việc tăng áp lực đối với hoạt động bảo tồn di sản văn hoá. Xin hỏi ngành văn hoá có giải pháp nào để làm tốt việc bảo tồn và phát huy các sản văn hoá trước thách thức này
Người gửi: dangbao.1206@gmail.com, dangbao.1206@gmail.com - TP Huế (Ngày gửi: 05/02/2018)
Đáp:

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thiên Bình:

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, du lịch được tiếp tục xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặt khác, quan điểm của tỉnh là phát triển kinh tế (trong đó có phát triển du lịch) phải bền vững, không ảnh hưởng đến bảo tồn văn hóa; đồng thời, bảo tồn văn hóa cũng không kìm hãm sự phát triển, bảo tồn phải quay trở lại phục vụ phát triển... Tuy nhiên, thực tế việc đẩy mạnh phát triển du lịch cũng ít nhiều tạo ra áp lực đến với công cuộc bảo tồn di sản văn hóa như: Vấn đề đảm bảo vệ môi trường, cảnh quan tại di tích; bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trước áp lực của cơ chế thị trường; đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực và cơ sở vật chất thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa…

Để có cơ sở thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo tính định hướng chiến lược lâu dài, trong những năm qua, Ngành Văn hóa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt những Quy hoạch này, đồng thời, sẽ thực hiện các nội dung, nhiệm vụ:

- Triển khai hiệu quả các Quy hoạch, Kế hoạch, Đề án đã được phê duyệt theo đúng lộ trình đã đề ra: Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 13/5/2011 thực hiện Quyết định số 818/QĐ-TTg ngày 07/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Đề án điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 - 2020"; Kế hoạch quản lý Quần thể di tích Cố đô Huế giai đoạn 2015 - 2020 định hướng đến năm 2030; Quy hoạch Khảo cổ tỉnh Thừa Thiên Huế đến 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng... Cùng với đó, tổ chức lập Quy hoạch tổng thể di tích đối với các công trình, cụm công trình di tích mang tính tiêu biểu, quy mô lớn và thu hút nhiều du khách: Quần thể di tích Cố đô Huế, Làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn...

- Tổ chức cắm mốc khoanh vùng di tích để bảo vệ các yếu tố gốc, tính nguyên trạng của di tích. Phân công quản lý di tích (Cơ quan/đơn vị trực tiếp quản lý di tích, cơ quan/đơn vị phối hợp quản lý di tích, cá nhân/tổ chức sử dụng di tích) nhằm phân công trách nhiệm cụ thể và tạo tính chủ động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

- Quản lý và giám sát chặt chẽ các quy định về xây dựng có khả năng ảnh hưởng đến di tích hoặc nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý di tích và các cơ quan, ban ngành có liên quan để có thông tin kịp thời, thống nhất trong quy hoạch xây dựng và phát triển.

Xây dựng kế hoạch phát triển bền vững hệ thống các di sản dựa trên việc khai thác du lịch di sản thông qua việc cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng những tuyến đường tiếp giáp với khu di tích; cải thiện và điều chỉnh các thiết kế công cộng, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại các khu vực lân cận thành phố Huế và các huyện, thị xã: Làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh toàn, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với nhiều loại hình du lịch khác nhau nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách và giảm tải lượng du khách tại các di tích trọng điểm. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng cư dân địa phương tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và giáo dục về các giá trị gắn liền với các di tích lịch sử văn hoá; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại di tích; phổ biến kiến thức pháp luật trong lĩnh vực di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, trường học...

- Tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện tốt công tác gìn giữ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.

- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm đến các hạng mục công trình di tích, khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích.

Do vậy, các dự án du lịch có ảnh hưởng đến di sản hoặc nằm trong vùng di sản phải được triển khai đúng quy định; công bố rộng rãi để tham vấn các tổ chức, cá nhân, thậm chí lấy ý kiến của cộng đồng nơi dự án triển khai để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao nhằm đạt mục tiêu hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến di sản, đồng thời đạt yêu cầu phát triển không ảnh hưởng đến bảo tồn và bảo tồn phải phục vụ phát triển. Phát triển phải là động lực hỗ trợ công tác bảo tồn di sản tốt hơn