slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Kính thưa lãnh đạo tỉnh, Thừa Thiên Huế đánh giá đâu là những khó khăn, trở ngại lớn nhất của địa phương trong việc xây dựng đô thị thông minh? Với chiến lược phát triển đô thị thông minh vừa được ban hành, chắc chắn vai trò của doanh nghiệp và nhà đầu tư là rất quan trọng bởi doanh nghiệp có nguồn lực công nghệ và tài chính. Vậy tỉnh hiện nay có chính sách nào nhằm kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp đối với chiến lược xây dựng đô thị thông minh? xin cảm ơn!
Người gửi: Uông Ngọc Tân - 103 Lê Sát, Q. Hải Châu, thành phố Đà Nẵng (Ngày gửi: 30/09/2018)
Đáp:

Trả lời của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ: 

* Những khó khăn trở ngại lớn nhất của địa phương trong việc xây dựng đô thị thông minh

- Về mặt tài chính: Đây là khó khăn mà các sở, ban, ngành nêu lên trong việc triển khai các ứng dụng CNTT. Mặc dù năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh có chỉ số ICT Index cao, đạt 0,6142 điểm, xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2017); tuy nhiên, nguồn lực về tài chính triển khai ứng dụng CNTT cho các đơn vị còn nhỏ lẻ và theo kế hoạch ngắn hạn.

- Về nguồn lực để vận hành hệ thống các dịch vụ đô thị thông minh: sự thiếu hụt nhân sự chuyên trách về CNTT ở các sở, ban, ngành gây khó khăn trong việc hình thành một đội ngũ vận hành đô thị thông minh. Tuy nhiên để khắc phục khó khăn này, Tỉnh có giải pháp thuê ngoài dịch vụ CNTT, một mặt tiết kiệm nguồn lực đầu tư, mặt khác giải quyết bài toán nhân sự vận hành.

- Số lượng các dịch vụ được tích hợp còn thấp, căn bản do cơ sở dữ liệu của các đơn vị còn tương đối độc lập. Đặc biệt là các ứng dụng chưa liên thông kết nối với nhau. Nhiều ứng dụng được Tỉnh đầu tư đồng bộ, tuy nhiên cũng có rất nhiều các ứng dụng được triển khai theo ngành dọc cần được kết nối với các ứng dụng mà Tỉnh đầu tư. Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, kho dữ liệu tập trung và nền tảng liên thông, tích hợp dữ liệu của Tỉnh.

- Xây dựng đô thị thông minh là nhiệm vụ mới ở Việt Nam, đòi hỏi vừa làm vừa học. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng đô thị thông minh là chiến lược phát triển lâu dài, đòi hỏi có lộ trình, bước đi cụ thể cho từng giai đoạn. Để thực hiện thành công chiến lược này, tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, đưa đến thống nhất ý chí chính trị và hành động. Đến nay, cơ bản đã tạo nền tảng hướng đến dịch vụ đô thị thông minh; thể hiện rõ nét qua việc triển khai phần mềm một của điện tử kết hợp dịch vụ công tại tỉnh.

- Tỉnh chưa có các chương trình, hạng mục truyền thông, phổ cập về việc cung cấp và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp biết sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến. Người dân và doanh nghiệp chưa biết nhiều về các dịch vụ này, ngay cả đối với dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 mà tỉnh đã thực hiện trong năm năm qua.

- Hành lang pháp lý tạo điều kiện phát triển đô thị thông minh vẫn chưa được hoàn chỉnh. Thứ nhất, chưa có bộ tiêu chí về xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Hiện Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh (theo Thông báo số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng chính phủ). Việc lựa chọn các tiêu chí đánh giá, đặc biệt phù hợp với đặc thù của Việt Nam và các địa phương đang là vấn đề mở, cần sớm được thống nhất và có hướng dẫn cụ thể.

Thứ hai, Chính phủ chưa ban hành về cơ chế, chính sách, giá thuê dịch vụ CNTT. Các dịch vụ ban đầu triển khai theo hình thức này đều đang là sự thống nhất tạm thời giữa chính quyền và các nhà cung cấp dịch vụ.

- Một số các dữ liệu nền tảng cho việc xây dựng đô thị thông minh như dữ liệu về bản đồ số, cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai... đang được thực hiện ở tầm quốc gia; tiến độ có thể sẽ kéo dài đến sau năm 2020. Để phục vụ nhu cầu trước mắt của tỉnh, cần thiết sự cho phép của Trung ương để chủ động xây dựng một phần các cơ sở dữ liệu nêu trên, làm nền tảng cho việc triển khai các giải pháp đô thị thông minh.

- Thiếu các giải pháp, ứng dụng tiện ích, được cá nhân hóa để truy xuất và sử dụng dữ liệu mở phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực du lịch, y tế, giao thông...

* Các chính sách nhằm kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp đối với chiến lược xây dựng đô thị thông minh

Nhà đầu tư sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của pháp luật về thuế và đất đai, hỗ trợ giao mặt bằng đất sạch cho nhà đầu tư. Cụ thể UBND tỉnh đã ban hành Quyết định…; theo đó, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin quy định như sau:

Hỗ trợ 50% tiền thuê mặt bằng làm việc trong 03 năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu thuê mặt bằng trên địa bàn tỉnh để hoạt động. Mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/doanh nghiệp/năm và được quy định cụ thể:

Năm thứ nhất: Tối đa không quá 60.000đồng/1m2/tháng.

Năm thứ hai: Tối đa không quá 40.000đồng/1m2/tháng.

Năm thứ ba: Tối đa không quá 20.000đồng/1m2/tháng.

Ngoài các ưu đãi trên, nếu dự án thuộc dự án trọng điểm, có tính chất quan trọng, tỉnh sẽ xem xét cho phép áp dụng thêm các hỗ trợ đầu tư khác.

Tỉnh ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tạo điều kiện cung cấp nguồn nhân lực tốt cho các nhà doanh nghiệp hoạt động tại Huế.

Xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa vào phát triển dịch vụ đô thị thông minh.