slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Xin cho biết một số thành tựu nổi bật của tỉnh sau gần 9 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới?
Người gửi: Phan Việt, Thuận Thành - TP Huế (Ngày gửi: 15/08/2019)
Đáp:

Trả lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương

Sau gần 9 năm (2010-2019) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới,nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị các cấp và nỗ lực của người dân, Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn đã có khởi sắc, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư cơ bản đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn đã từng bước được cải thiện. Có thể tóm tắt một số kết quả nổi bật như sau:

1. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có những chuyển biến khá sâu sắc và rõ nét.

2. Hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc; toàn tỉnh đã huy động được một nguồn lực khá lớn với 11.100 tỷ đồng. Trong 9 năm, toàn  tỉnh đã xây dựng mới và nâng cấp 120 công trình giao thông nông thôn, 31 công thủy lợi, 179 công trình trường học, 55 công trình nhà văn hóa trung tâm xã, 22 công trình nước sạch,…; Hỗ trợ 641 mô hình phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

3. Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn toàn tỉnh năm 2018 đạt 31,4 triệu đồng/người/năm, bằng gấp 2,5 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 7,25%, giảm hơn 50% so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98,82%; Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 80%, nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom khu vực nông thôn đạt 65%; …

4.  Về thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình, đến nay số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/ xã (cao hơn 01 tiêu chí so với bình quân chung cả nước), đã có 44/104 xã đạt 19/19 tiêu chí (42%); 27 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 32 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 01 xã đạt 9 tiêu chí. Không còn xã dưới 9 tiêu chí.Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2019 có 54 xã đạt chuẩn (52%) để làm tiền đề đạt mục tiêu 59% số xã đạt chuẩn cuối năm 2020.

Mặt khác, đối với các xã đã đạt chuẩn, Tỉnh đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện xây dựng để đạt xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu cuối năm 2020 toàn tỉnh có 02 xã nông thôn mới kiểu mẫu và mỗi huyện có ít nhất 01 xã nâng cao.

Đối với cấp huyện, thị xã Hương Thủy phấn đấu cuối năm 2019 hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Quảng Điền phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Với những thành tích đó, tính đến nay,Chính phủ đã tặng cờ thi đua cho 01 huyện (Nam Đông) và Thủ tướng đã tặng bằng khen cho 5 xã điển hình: Phong Hải (Phong Điền), Hương Giang, Hương Hoà (Nam Đông), Phú Thượng (Phú Vang) và Nhâm (A Lưới)

· Về những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình

Cũng như tình trạng chung của nhiều địa phương khác, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một Chương trình phát triển kinh tế xã hội có tính tổng hợp, có quy mô rộng lớn nên không khỏi có nhiều khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình, cụ thể:

1) Nhận thức về thực hiện Chương trình chưa thực sự đúng đắn, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước ở một số bộ phận dân cư, kể cả ở một số cán bộ các cấp.

2) Chất lượng quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã chưa cao, chưa đề ra được các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhất là đối với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập,  xóa đói giảm nghèo.

3)  Huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia Chương trình còn hạn chế, huy động từ người dân gặp nhiều khó khăn do mức sống của người dân thấp, nhất là những thôn bản, xã ở miền núi, vùng sâu vùng xa.

4) Sản xuất nông nghiệp một số nơi, nhất là vùng sâu vùng xa, miền núi, bãi ngang vẫn mang tính truyền thống là chính, vì vậy hiệu quả và thu nhập còn thấp, không ổn định. Số mô hình ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có hiệu quả cao chưa nhiều.

5) Chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn cũng như việc sử dụng lao động tại chỗ sau đào tạo nghề vẫn là vấn đề khó của nhiều địa phương.

6) Năng lực cán bộ cấp xã, thôn ở nhiều địa phương còn rất hạn chế (nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Bộ máy giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp còn thiếu và yếu, nhất là cấp huyện và xã, riêng cấp xã, hầu hết chưa bố trí công chức cấp xã chuyên trách có năng lực theo dõi nông nghiệp và xây dựng NTM theo quy định.

7) Nguồn lực hỗ trợ từ TW và từ Tỉnh còn hạn chế so với nhu cầu thực hiện mục tiêu kế hoạch; quy trình, thủ tục còn nhiều vướng mắc, không thực sự phù hợp với điều kiện của một số địa phương, nhất là vùng khó khăn, miền núi…

Với những thuận lợi và khó khăn nói trên, Tỉnh sẽ có những  chỉ đạo các ban ngành địa phương có kế hoạch, giải pháp phù hợp để tiếp tục triển khai có hiệu quả khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.