slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Những nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp phải thực hiện nào mà UBND tỉnh đang đặt ra hiện nay để tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng nâng cao giá trị?
Người gửi: thanhnhan9x@gmail.com, thanhnhan9x@gmail.com - TP Huế (Ngày gửi: 23/08/2019)
Đáp:

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang


UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/4/2016 Về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020; nội dung và các giải pháplà:

Nội dung:

1.Tái cơ cấu trong các lĩnh vực:

a)Nông nghiệp

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đến năm 2020 ổn định diện tích gieo trồng lúa nước 52.000 ha/năm (lúa chất lượng đạt trên 17.000ha); Thanh trà đạt 1.000ha; Sắn công nghiệp 7.500-8.000 ha (hiện tại 6.500 ha sẻ tăng ở huyện A Lưới 1.500 ha); Cao su khoảng13.500ha; Rau, củ, quả an toàn đạt 600ha; Lạc trên 3.600 ha; Ngô đạt 2.500 ha.

- Tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng chú trọng phát triển vật nuôi có tiềm năng và lợi thế, tăng nhanh số lượng và chất lượng đàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao hiệu quả để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua việc liên kết sản xuất, đảm bảo mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp.

- Phấn đấu đến năm 2020, đàn trâu 23.460 con, đàn bò 30.000 con, đàn lợn 296.000 con, đàn gia cầm 3,3 triệu con và sản lượng thịt hơi đạt 45.000 tấn/năm (tăng 45% so với năm 2015). Trong đó sản lượng thịt hơi của vật nuôi chủ lực: 43.500 tấn; chiếm 96,8% tổng sản lượng thịt hơi toàn tỉnh. Ong nuôi 5.500 đàn, sản lượng mật ong ước đạt 200 tấn.

b. Lâm nghiệp

Phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng; Từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ, lâm sản cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững. Đổi mới và phát triển các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường gắn với tái cơ cấu ngành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập; tăng cường liên kết tiêu thụ lâm sản giữa doanh nghiệp với nông dân.

Củng cố diện tích rừng đặc dụng hiện có; bố trí rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu, phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn sóng, chắn gió cát ven biển và đầm phá; ưu tiên mở rộng diện tích rừng sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế; chú trọng công tác giống, đầu tư thâm canh, trồng rừng gỗ lớn để từng bước thay thế dần gỗ rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu dân dụng và cung ứng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Diện tích đất có rừng toàn tỉnh đến năm 2020 đạt 293.250 ha, trong đó: diện tích rừng sản xuất 122.100 ha.

c. Thủy sản

- Ổn định diện tích nuôi ao hồ hiện có (2.100 ha), phát triển nuôi cá hồ thủy lợi, thủy điện, hồ chứa tự nhiên khoảng 500 - 800 ha, nuôi lồng từ 500 - 1.000 lồng năm 2020.

-Tiếp tục phát triển nuôi trồng các đối tượng thủy sản tạo sản phẩm chủ lực theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình, phương thức nuôi mới nhằm nâng hiệu quả trong nuôi trồng.

- Phát triển vùng nuôi tôm trên cát lấy tôm thẻ chân trắng là đối tượng sản xuất chủ lực để phục vụ xuất khẩu. Từng bước mở rộng diện tích đạt 900 ha vào năm 2020 với sản lượng nuôi khoảng 13.500 tấn.

- Phát triển khai thác hải sản xa bờ; có hầm bảo quản tiên tiến, hiện đại và có đầy đủ trang bị kết nối định vị vệ tinh; phát triển tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới composite… thay thế từng bước tàu cá vỏ gỗ; Tỷ trọng sản lượng hải sản khai thác xa bờ đạt trên 70%.

- Củng cố và phát triển mô hình Đồng quản lý nghề cá trên vùng đầm phá, vùng biển ven bờ, tiến đến quản lý ngư cụ theo hạn ngạch thông qua trao quyền khai thác cho các tổ chức ngư dân.

- Đội tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ từ 90 CV trở lên được trang bị hầm bảo quản sản phẩm hiện đại, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch khai thác hải sản từ 30% hiện nay, xuống dưới 15%; Tiếp tục duy trì và phát huy đội tàu dịch vụ thu mua trên biển và phát triển tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép quy mô lớn (30 mét trở lên).

d. Thủy lợi

- Củng cố, phát triển thủy lợi nội đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới: Nâng cấp kết cấu hạ tầng thủy lợi nội đồng, đáp ứng tốt các phương thức canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; củng cố tổ chức thủy nông cơ sở bền vững.

- Tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi, nâng cao hiệu quả quản lý, Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực: Hồ tiêu, cây ăn quả, rau, hoa, ...

2. Tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực

- Ưu tiên cao, tập trung phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có lợi thế: Lợn, tôm, rau, hoa các loại.

- Cơ cấu hợp lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa khácLúa, lạc, sắn công nghiệp, cao su, gỗ nguyên liệu rừng trồng, bò và gia cầm.

3. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO,…) tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đến năm 2020, đạt tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên 150 triệu USD. Trong đó:

4. Phát triển ngành nghề nông thôn

Tiếp tục phát triển các làng nghề có khả năng lan tỏa, hoạt động tốt; khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền; bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống vùng đồng bào dân tộc; đến năm 2020 có thêm 15 - 25 nghề và làng nghề được công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống. Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch.

Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động các HTX nông nghiệp hiện có, hình thành các tổ chức hợp tác mới theo Luật HTX năm 2012  phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương và xây dựng mô hình liên kết “4 nhà” nhằm đảm bảo cung ứng các yếu tố đầu vào và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho hộ nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất.

5. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như: Hệ thống giao thông nội đồng kết hợp thủy lợi, giao thông đến vùng sản xuất, hệ thống đường lâm sinh, hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản tập trung, khai thác hải sản và hậu cần nghề cá.

Các giải pháp:

1. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính có lợi thế để lập dự án làm cơ sở đầu tư phát triển; tăng cường quản lý giám sát, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch

- Tổ chức triển khai có hiệu quả và rà soát, bổ sung các quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được phê duyệt.

- Trên cơ sở tiềm năng, thế  mạnh của địa phương, mỗi huyện lựa chọn ra từ 3 - 4 cây con chủ lực, mỗi xã lựa chọn 2 - 3 cây con chủ lực để ưu tiên phát triển. Trên cơ sở sản phẩm chủ lực được lựa chọn, xây dựng chính sách và các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện hiệu quả.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2. Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Phấn đấu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Ban hành cơ chế, chính sách, làm tốt công tác lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

- Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống địa phương,... nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn.

3. Khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

- Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Rà soát, phân loại các dự án đầu tư, điều chỉnh phương thức và nguồn đầu tư để thu hút tối đa nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tiếp tục vận động, thu hút đầu tư từ ngân sách, từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA,..), tăng hợp lý tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu là 6.800 tỷ đồng.

4. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nghề

- Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản.

- Tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao và phát triển kết cấu hạ tầng sản xuất giống.

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông lâm thủy sản.

- Đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

5. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm nâng cao giá trị gia tăng

- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hoá.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản như: Lúa, rau, bưởi thanh trà, hàng thủ công mỹ nghệ (mây tre đan,…),…

- Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; Khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng triệt để các tiêu chuẩn VietGAP, ISO, HACCP,…

6. Củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ trong nông nghiệp, nông thôn

- Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn đối với một số sản phẩm có giá trị hàng hóa cao là lợi thế của tỉnh; Tăng cường sự tham gia và trách nhiệm của các bên liên quan đối với mối liên kết của “4 nhà”.

- Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành theo hướng cổ phần hóa; Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác.

- Đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế trang trại, gia trại theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao.

- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đổi mới và phát triển mạnh hệ thống dịch vụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Củng cố và phát triển các tổ chức dịch vụ nông nghiệp: Cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản; Đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Khuyến khích đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới trong tổ chức dịch vụ nông nghiệp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

7. Cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước

- Đẩy mạnh cải cách hành chính với nội dung trọng tâm là: Sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đủ năng lực quản lý ở các cấp, đặc biệt ở cấp xã.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý nhà nước ở các cấp.

- Tăng cường năng lực cho hệ thống kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hoá.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời tổ chức phòng, chống, dập dịch, đảm bảo an toàn cho sản xuất.