slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
BHXH tự nguyện dành cho độ tuổi từ 15 tuổi trở lên và khi tham gia đủ 5 năm liên tục thì được hưởng chế độ mai táng phí và trả lại số tiền do đối tượng đóng cứ 01 năm đóng trả lại 2 tháng chọn đóng có phải như vậy không? Và nếu là đối tượng được ngân sách Nhà nước chi trả mai táng như thương binh và Người có công nếu đóng thêm BHXH tự nguyện nữa thì Quỹ BHXH có thanh toán song song phần mai táng như trên hay mai táng phí chỉ có 01 mức cao nhất do thân nhân của đối tượng chọn.
Người gửi: Trần Thị Thanh Ngân - Niêm Phò, Quảng Thọ: (Ngày gửi: 04/11/2019)
Đáp:

Trả lời của Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Xuân Tiếu:

1. Theo quy định tại Điều 80, Điều 81 Luật BHXH, người có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên mà bị chết thì thân nhân sẽ được hưởng:

- Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đóng BHXH tự nguyện chết. Mức tiền lương cơ sở hiện nay là 1.390.000 đồng.

- Trợ cấp tuất một lần: Mức trợ cấp được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi.

2. Theo quy định tại khoản 3, Điều 7 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng:

“Người có công với cách mạng, thân nhân quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 27 của Pháp lệnh này chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trường hợp các đối tượng quy định tại khoản này đồng thời là đối tượng điều chỉnh của Luật bảo hiểm xã hội thì mai táng phí do Bảo hiểm xã hội chi trả.”

Như vậy, người có công với cách mạng (bao gồm cả thương binh) mà tham gia BHXH tự nguyện đủ 5 năm trở lên khi chết thì được nhận tiền mai táng phí do BHXH chi trả.