slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Từ khi triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh cho đến nay, chúng ta đã tổ chức đánh giá tổng thể tình hình triển khai đề án này chưa, và xin hỏi cho đến nay, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh ta đã đi đến đâu, đã đạt được những gì chúng ta đề ra ban đầu không?
Người gửi: Câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Châu - (Ngày gửi: 12/11/2019)
Đáp:

Trả lời của Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Vang

 

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thừa Thiên Huế được triển khai từ năm 2016 theo Quyết định số 795/QĐ-UBND ngày 21/4/2016. Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã tổ chức Sơ kết tình hình triển khai thực hiện Đề án.

Một nố kết quả chủ yếu như sau:

 

1. Về đổi mới cơ chế chính sách.

Xây dựng kế hoạch và các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; xây dựng cánh đồng lớn; chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ...

Đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2016 của UBND tỉnh).

2. Về đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ; phát triển ngành nghề nông thôn và các hình thức kinh tế hợp tác.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong nông nghiệp. Đã đẩy mạnh chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, tính đến nay toàn tỉnh có 182 HTX nông nghiệp đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tiếp tụctriển khai đề án “Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu mới giai đoạn 2018-2020”. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 205 HTX Nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

3. Nâng cao chất lượng đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

4. Công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và khuyến nông

Các hoạt động chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công tác xây dựng mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân đã được triển khai thực hiện hầu khắp trên các vùng, miền của các địa phương. Sự thành công của các mô hình đã giúp người dân cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

5. Kết nối thị trường, tổ chức tiêu thụ sản phẩm

Đã tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng.

Thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm; đã xây dựng 10 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, được xác nhận với 15 sản phẩm (Gạo, thịt heo, thịt gà, trứng gà, chuối và rau ăn lá các loại,...).

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sản xuất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

 

Đến nay, việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của tỉnh đang ở năm thứ 4 của giai đoạn 2016-2020 và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng, trước hết, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, huy động được nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường,... Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 31,4 triệu đồng tăng 1,87 lần so với năm 2013.

Các giải pháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian tới

a) Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong từng lĩnh vực

- Lĩnh vực trồng trọt: Chỉ đạo triển khai thực hiện, lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp để hướng dẫn nông dân sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị; trong đó tập trung vào các loại cây trồng có lợi thế của tỉnh  như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao, cao su, sắn công nghiệp, lạc, rau...

- Lĩnh vực chăn nuôi: Xây dựng phương án, giải pháp phát triển đồng bộ về giống, thức ăn, gắn với thị trường tiêu thụ. Tập trung nâng cao chất lượng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa để thúc đẩy sản xuất nâng cao giá trị và thu nhập cho nông dân.

- Lĩnh vực thủy sản: Đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, tập trung phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế của tỉnh, như: Tôm chân trắng, cá, cua, nước lợ, nuôi cá nước ngọt,... Rà soát lại cơ cấu nghề, ngư trường khai thác, xác định cơ cấu đội tàu khai thác, từ đó hướng dẫn ngư dân cải hoán tàu thuyền; phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần, nâng cao chất lượng sản phẩn gắn với phát triển thị trường tiêu thụ. Chuyển đổi nghề cho ngư dân ở vùng ven biển sau sự cố môi trường biển nhằm đảm bảo an sinh xã hội.

- Lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện tốt kế hoạch quản lý bảo vệ và phát triển rừng, ưu tiên phát triển trồng rừng gỗ lớn; tăng cường trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng chắn sóng ven biển, đầm phá; Tiếp tục phát triển rừng có chứng nhận FSC.

b) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông lâm nghiệp thuộc ngành theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Trung ương.

c) Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế vào đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

d) Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó chú trọng triển khai chính sách hợp tác, liên kết trong sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

đ) Đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn cả về nội dung và chất lượng. Trong đó, chú trọng bổ sung các nghề mới phù hợp với thực tiễn sản xuất ở các địa phương, gắn với các vùng nguyên liệu của tỉnh, đặc biệt là các nghề sản xuất, khai thác, chế biến thủy hải sản.

e) Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các tiến bộ về giống, quy trình sản xuất, bảo quản chế biến, ...