slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Xin cho biết tỉnh đã có những bước tiến cụ thể như thế nào trong công tác bảo tồn, phát triển các làng nghề và nghề truyền thống? Những ngành nghề nào sẽ được tỉnh ưu tiên hỗ trợ, bảo tồn trong thời gian tới?
Người gửi: Câu hỏi của bạn Ngọc hiền - ngochien_83@yahoo.com (Ngày gửi: 01/12/2019)
Đáp:

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Anh Tuấn:

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Anh Tuấn

Trước tiên, phải khẳng định rằng, nghề và làng nghề truyền thống đóng vai trò nhất định trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành kinh tế phi nông nghiệp, chuyển đổi chuyển đổi nguồn lao động nông thôn từ sản xuất nông nghiệp với thu nhập thấp sang sản xuất phi nông nghiệp (công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ) với thu nhập cao hơn. Sự tác động này tạo ra một nền kinh tế đa dạng ở nông thôn, với sự thay đổi về cơ cấu và phong phú về sản phẩm, đa dạng hoá các loại hình sinh kế của hộ gia đình nông dân.

Ngoài ra, làng nghề truyền thông còn có vai trò rất quan trọng nữa là giữ gìn giá trị di sản văn hoá tiêu biểu cho một vùng đất, một địa phương, tạo ra sự gắn kết của một cộng đồng thôn bản. Với ý nghĩa vai trò như vậy, thời gian qua tỉnh đã tập trung để bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống. Ước tính giá trị sản xuất của các cơ sở sản xuất kinh doanh năm 2018 của nghề truyền thống và các làng nghề truyền thống khoảng 374.000 triệu đồng. Cao nhất là nhóm các làng nghề điêu khắc gỗ, mộc An Bình, đúc đồng Huế, mè xửng Huế.

Nói chung, dù giá trị sản xuất tại các nghề, làng nghề chưa cao nhưng đã giải quyết lượng lớn lao động nông nhàn, thời vụ tại địa phương; ổn định trật tự xã hội, đóng góp xây dựng kinh tế xã hội của địa phương góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nếu lấy hình ảnh để minh hoạ cho bước tiến đáng kể của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống tại TTH đó là việc dệt Zèng công nhận là di sản VH phi vật thể Quốc Gia theo QĐ của Bộ VHTTDL. Nghệ nhân của làng nghề Dệt Zèng A Lưới mới đây đã tham gia hội chợ quảng bá du lịch làng nghê tại Thuỵ Sỹ - được bạn bè thế giới đánh giá rất cao.

Tại Quyết định 111/QĐ-UBND ngày 17/1/2015 về phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề truyền thống và làng nghề trên địa bàn tỉnh đến 2020 và định hướng đến 2025, tỉnh đã chủ trương và có kế hoạch để khôi phục và bảo tồn các làng nghề truyền thống từ lâu đời đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền bao gồm nghề truyền thống tranh giấy làng Sình, nghề truyền thống làm diều Huế, nghề truyền thống gốm Phước Tích, nghề truyền thống rèn Hiền Lương, Cầu Vực…

Đồng thời, khôi phục để phát triển một số nghề và làng nghề phát triển cầm chừng, không ổn định sản xuất như nhóm ngành nghề khác như: nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch, nghề truyền thống nón lá Huế, nghề truyền thống may áo dài Huế, các nghề truyền thống sơn mài, khảm trai, khảm xương, các nhóm nghề đan lưới, chổi đót, tăm hương... Đặc biệt, tiếp tục các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm cho các sản phầm truyền thống đã có chỗ đứng như Zèng, Mây tre đan lát,…