slogan
Tiếp nhận ý kiến
Hỏi:
Công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề, các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, nhất là thanh niên? Giải pháp để khắc phục tình trạng này như thê nào?
Người gửi: Phạm anh Tú - Thành phố Huế: (Ngày gửi: 06/01/2020)
Đáp:

Trả lời của Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hồ Dần:

Đúng là công tác dạy nghề truyền thống và các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, nhất là thanh niên nên chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề. Để khắc phục, ngành Lao động Thương binh và Xã hội đã tham mưu tỉnh triển khai một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề truyền thống như sau:

Một là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với người dân về công tác đào tạo nghề, quan tâm đến các làng nghề, các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi; tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, chọn nghề và tổ chức dạy học theo phương châm xuất phát từ nhu cầu học nghề, việc làm và điều kiện của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Hai là đổi mới chương trình, nội dung dạy nghề phù hợp, linh hoạt, chủ yếu tập trung dạy thực hành và thực hiện tại nơi sản xuất, có thời gian đào tạo phù hợp với nghề đào tạo, từng vùng, từng địa phương và phù hợp với điều kiện của người học nghề.

Ba là ban hành các cơ chế chính sách ưu tiên kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các làng nghề; các vùng nông nghiệp, nông thôn để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triền kinh tế tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Bốn là phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao vai trò các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề truyền thống ở địa phương để tạo việc làm cho lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề.

Năm là tiếp tục rà soát nhu cầu học nghề thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp của lao động nông thôn theo hướng gắn với đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xã nông thôn mới phù hợp với yêu cầu sản xuất, nuôi trồng và các mô hình kinh tế có hiệu quả để tổ chức đào tạo nghề, nhằm giúp lao động nông thôn nâng cao chất lượng kỹ năng tay nghề góp phần tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, nâng cao thu nhập so với lúc chưa học nghề.