Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ
Ngày cập nhật 29/06/2022
(MPI) – Ngày 27/6/2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ký Quyết định số 1214/QĐ-BKHĐT về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

 

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là thực hiện đầy đủ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, góp phần thực hiện đầy đủ các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 54/NQ-CP nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GDP đạt khoảng 45%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32-34% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức tiệm cận quốc tế.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%. Số lượng hợp tác xã đến hết năm 2025 đạt khoảng 35.000 hợp tác xã. Tốc độ tăng năng suất lao động khu vực dịch vụ bình quân 5 năm từ 7%-7,5%/ năm.

Nhằm đạt được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu.

Thứ nhất, tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ cấu lại đầu tư công, xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Nghiên cứu xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng các chính sách phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phát thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Xây dưng các chính sách và các biện pháp nhằm xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phối hợp cùng Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng các chính sách tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công và pháp luật khác có liên quan.

Về cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, khẩn trương rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý đáp ứng điều kiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025 để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi.

Thứ hai, phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan nghiên cứu báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm trình Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2022-2023.

Thứ ba, phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước. Phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Thứ tư, phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Xây dựng trình ban hành và thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Xây dựng, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, kiện toàn bộ máy tổ chức điều phối vùng.

Thứ năm, cơ cấu lại ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, xây dựng Đề xuất bổ sung dự án Luật khu công nghiệp, khu kinh tế trình Chính phủ xem xét. Cơ cấu lại các ngành dịch vụ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050./.

 

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.279.178
Truy cập hiện tại 284 khách