Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đặc biệt tập trung xây dựng đề án cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM sát, đúng với thực tế của địa phương. Theo đó, mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2015 có 30% xã đạt chuẩn về NTM, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 10%. Trong đó có 2 huyện Nam Đông và Quảng Điền là huyện điểm và mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM.
Ngay từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, ở cấp tỉnh đã thành lập BCĐ và tổ giúp việc cho ban chỉ đạo; ở huyện đã thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc, các tổ thẩm định quy hoạch, đề án; tất cả các xã xây dựng nông thôn mới đều thành lập ban Quản lý xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiến hành tập huấn cho cán bộ các cấp về chủ trương, chính sách, các nội dung thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới; phân công cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc, Ban quản lý để thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện. Nhờ vậy, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện được tiến hành đồng bộ và kịp thời.
Xác định chủ thể của chương trình xây dựng NTM mới là người dân với quan điểm là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi”. Các nội dung về xây dựng nông thôn mới đều phải có sự tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp của người dân; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động người dân. Do vậy, công tác vận động truyên truyền được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau. UBND tỉnh, các huyện, thị xã và nhiều xã ở huyện Nam Đông, Quảng Điền đã tổ chức Lễ phát động thi đua xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Đoàn thành niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBMTTQ, Liên minh Hợp tác xã, Bộ đội biên phòng, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội người cao tuổi… đã mạnh nhạn vào cuộc thực hiện xây dựng NTM và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Nhiều vùng nông thôn, người dân đã tự nguyện hiến đất đai để mở đường, một số tuyến đường đầu tư mở rộng tại huyện Nam Đông, Quảng Điền, thị xã Hương Trà … người dân đã tự nguyện giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, không đền bù.
Tính từ năm 2010 đến 2012, tổng vốn đầu tư xây dựng khu vực nông thôn của tỉnh đạt trên 520 tỷ đồng. Cụ thể năm 2010, là 135,249 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 93,261 tỷ đồng, vốn hỗ trợ có mục tiêu: 11,988 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi: 30 tỷ đồng). Năm 2011, là 184,495 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 67,449 tỷ đồng, vốn hỗ trợ có mục tiêu: 87,046 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi: 30 tỷ đồng). Năm 2012, là 204,872 tỷ đồng (vốn Chương trình mục tiêu quốc gia: 63,5 tỷ đồng, vốn Chương trình xây dựng NTM: 19.909 tỷ đồng, vốn hỗ trợ có mục tiêu: 61,463 tỷ đồng, vốn vay ưu đãi: 60 tỷ đồng).
Theo đánh giá 19 tiêu chí NTM đến hết Quý III năm 2012 các xã trong tỉnh Thừa Thiên Huế đạt mức khá so với cả nước, cụ thể: có 2 xã đạt 15 tiêu chí; 5 xã đạt 12 - 14 tiêu chí; 15 xã đạt 10 - 11 tiêu chí; 41 xã đạt 08 - 09 tiêu chí; 29 xã đạt 05 - 07 tiêu chí. Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xã NTM của 84/92 và 8 quy hoạch còn lại đã hoàn thành hồ sơ, đang được thẩm định.
|
Trao đổi về kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM thời gian qua, đồng chí Lê Trường Lưu, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung chủ yếu của chương trình đến tận các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền, vận động được tổ chức bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Qua đó, xác định người dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng NTM; các nội dung về xây dựng NTM đều phải có sự tham gia bàn bạc, thảo luận, đóng góp của người dân; phương châm xây dựng NTM của tỉnh là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM nổi lên một số khó khăn hạn chế như: công tác lập Quy hoạch và Đề án xây dựng nông thôn mới còn chậm so với tiến độ so với kế hoạch; việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia Chương trình ở một số thôn xã chưa thực sự đến với mọi người dân, một số cán bộ ở cơ sở nhận thức về nông thôn mới chưa đầy đủ; đây là 1 chương trình lớn trong lúc năng lực chỉ đạo, lãnh đạo điều hành của các xã còn hạn chế, thiếu tính chủ động và quyết tâm cao; nhiều xã, thôn bản còn tư tưởng ỷ lại; sự phối hợp giữa các ban, ngành và các địa phưong thiếu đồng bộ. Ngoài ra, nguồn vốn trực tiếp cho Chương trình quá ít so với nhu cầu, việc lồng ghép các nguồn vốn MTQG được quan tâm song nguồn vốn còn thiếu; việc huy động nguồn vốn từ các doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi hầu hết các huyện, thị xã và xã khó tiếp cận được do cơ chế, chính sách giữa các ban, ngành chưa đồng.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, trong thời gian tới tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành công tác quy hoạch xã NTM, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở hoàn thành các hạng mục công trình hạ tầng đã được bố trí vốn; vận động người dân thực hiện tốt các hạng mục công trình sử dụng vốn vay ưu đãi có huy động nguồn lực từ dân; giám sát nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giúp các địa phương sử dụng có hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững; rà soát phân loại các tiêu chí dễ thực hiện, các tiêu chí phi vật chất không cần vốn đầu tư lớn để chỉ đạo thực hiện như: y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…; ưu tiên nguồn lực cho các xã điểm, huyện điểm, trong đó có 28 xã lựa chọn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đồng thời kết hợp vận động các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân chung tay hỗ trợ nguồn lực xây dựng NTM.
www.thuathienhue.gov.vn