Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Công bố số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020.
Ngày cập nhật 30/12/2020
Ông Hoàng Văn Sỹ - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chủ trì buổi họp báo
Chiều ngày 29 tháng 12 năm 2020, Cục Thống kê Thừa Thiên Huế vừa tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2020 - năm kết thúc thời kỳ kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020. Ông Hoàng Văn Sỹ - Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chủ trì buổi họp báo.

 

Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2020, kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ trên diện rộng. Trong tỉnh mặc dù không có trường hợp mắc dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng nhưng dịch đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch, vận tải, xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí,... mà cho đến nay mức độ hồi phục vẫn còn chậm do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên toàn cầu, nhất là ở các nước đối tác thương mại lớn của ta; bão lũ để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và dân sinh, đặc biệt là trong lĩnh vực đánh bắt hải sản.

“Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã cơ bản đẩy lùi đại dịch Covid-19, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra nhằm phục hồi nền kinh tế, ổn định an sinh xã hội, tập trung công tác cứu trợ người dân, trợ giúp khó khăn cho doanh nghiệp, các hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và đảm bảo đời sống các tầng lớp dân cư. Đến nay, sinh hoạt, đời sống xã hội đã thiết lập lại trạng thái bình thường mới, sản xuất kinh doanh đang trên đà ổn định, an sinh xã hội và đời sống người lao động bảo đảm; tỉnh đã và đang làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng khó khăn trong đại dịch, các đối tượng thiệt hại do bão lũ. Đặc biệt, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị sớm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.” - Ông Hoàng Văn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh nêu rõ.

GRDP bình quân đầu người/năm đạt 49 triệu đồng

Trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 đạt mức thấp 2,06%, trong đó khu vực dịch vụ tăng trưởng âm 0,79%. Tuy nhiên mức tăng trưởng vẫn cao hơn nhiều mức tăng 6 tháng đầu năm (tăng trưởng 0,38%, trong đó khu vực dịch vụ âm 2,26%), chứng tỏ nền kinh tế đã có bước phục hồi và đang lấy lại đà tăng trưởng trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2020 theo giá so sánh ước tăng 2,06% so cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua, thấp hơn nhiều mức tăng 7,18% của năm 2019. Tuy nhiên mức tăng này cũng tương đối khá so với các tỉnh trong khu vực miền Trung có ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế như tỉnh ta trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Trong tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,21% (năm 2019 tăng 11,32%), đóng góp 1,97 điểm % vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ giảm 0,79% (năm 2019 tăng 7,39%), đóng góp âm 0,38 điểm %; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 1,34% (năm 2019 giảm 4,13%), đóng góp 0,16 điểm %; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,69% (năm 2019 tăng 8,37%), đóng góp 0,31 điểm %.

Nguyên nhân chủ yếu làm mức tăng trưởng kinh tế nay năm sụt giảm nghiêm trọng là do tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát 2 đợt vào tháng 3 và tháng 7/2020 đã ảnh hưởng lớn đến khu vực dịch vụ, công nghiệp; thiên tai bão lũ nặng nề tác động đến khu vực nông lâm thuỷ sản trong những tháng cuối năm. Ngoài ra sản xuất thủy điện trong 8 tháng đầu năm không đủ nước để vận hành cũng đã ảnh hưởng đến tăng trưởng chung.

Quy mô nền kinh tế tỉnh năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 54.798,1 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người/năm đạt 49 triệu đồng (tương đương 2.120 USD). Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,25%; khu vực dịch vụ chiếm 47,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,53%.

Thu ngân sách vượt dự toán, tăng so năm trước

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn những tháng đầu năm 2020 tăng khá nhờ tình hình thu của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn đạt cao. Trong 6 tháng cuối năm thu ngân sách bắt đầu gặp khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, Chính phủ cho áp dụng các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm, giản thuế,...đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên nguồn thu trên địa bàn cả năm vẫn bảo đảm kế hoạch nhờ bổ sung các khoản thu ngoài sản xuất kinh doanh. Ước thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 tăng 0,7% so cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, quản lý Nhà nước và phòng chống dịch Covid-19; trợ cấp khó khăn cho các đối tượng xã hội bị ảnh hưởng dịch; trợ cấp do thiệt hại bão lũ.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước tính năm 2020 ước đạt 8.455,0 tỷ đồng, bằng 111,2% dự toán năm, tăng 0,7% so năm trước. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 7.967,0 tỷ đồng, bằng 112,45% dự toán; thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 430,0 tỷ đồng, bằng 87,4% dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt 11.428,0 tỷ đồng, bằng 95,46% dự toán.

Gần 25 nghìn tỷ đồng đầu tư phát triển

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động lên nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, hoạt động xây dựng cũng chịu ảnh hưởng, nhất là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, với các biện pháp quyết liệt của Chính phủ và UBND tỉnh, giải ngân vốn đầu tư công trong năm đạt khá cao, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn đã được đẩy nhanh tiến độ thi công. Nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện cả năm 2020 tăng 11,92% so với năm trước (trong đó vốn ngân sách Nhà nước tăng 40,88%). Hoạt động xây dựng trên địa bàn trong năm tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, tuy nhiên những tháng cuối năm tiến độ thực hiện có phần chậm lại do ảnh hưởng bão lũ và thời tiết mưa rét kéo dài. Tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn trong năm 2020 ước đạt 24.450 tỷ đồng, bằng 90,56% KH năm, tăng 11,92% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn do Trung ương quản lý 6.180 tỷ đồng, bằng 92,57% KH, tăng 7,95%, chiếm 25,28% tổng vốn; vốn do Địa phương quản lý 18.270 tỷ đồng, bằng 89,89% KH, tăng 13,33%, chiếm 74,72%. Vốn thuộc ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt 6.185,8 tỷ đồng, bằng 107,57%  KH, tăng 40,88% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 25,3% tổng vốn,  gồm có: Vốn ngân sách Trung ương quản lý 1.300 tỷ đồng, bằng 127,45% KH, tăng 13,04%; vốn ngân sách Địa phương quản lý 4.885,8 tỷ đồng, bằng 103,28% KH, tăng 50,76%. Nguồn vốn tín dụng đạt 10.000 tỷ đồng, bằng 90,80% KH, tăng 2,99% so cùng kỳ, chiếm 40,9% tổng vốn; vốn đầu tư của doanh nghiệp 2.640 tỷ đồng, bằng 77,19% KH, giảm 6,65%, chiếm 10,8%; vốn viện trợ 1.385 tỷ đồng, bằng 83,14% KH, tăng 32,16%, chiếm 5,66%; vốn đầu tư nước ngoài 1.200 tỷ đồng, bằng 48,0% KH, bằng 100,0% so với cùng kỳ, chiếm 4,91%. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 18,45 triệu USD.

Sản xuất công nghiệp tăng, du lịch và nông nghiệp gặp nhiều bất lợi

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12/2020 đạt mức tăng 7,34% so với tháng trước và tăng 7,71% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,14% so cùng kỳ, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Mặc dù sản xuất công nghiệp của địa phương trong năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ nhưng vẫn duy trì được mức tăng nhờ ngành may mặc đã kịp thời chuyển đổi sang may khẩu trang, đồng thời một số sản phẩm truyền thống của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá trong hoàn cảnh khó khăn của đại dịch: sản xuất bia, sản xuất vỏ lon nhôm, sản xuất bao bì.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020, vụ đông xuân diễn ra trong điều kiện thời tiết gặp hạn hán và mưa dông, tố lốc đột xuất cuối vụ làm một số diện tích lúa bị ngập úng, đỗ ngã hơn 16.500 ha ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng. Ngoài ra bệnh khảm lá sắn cũng gây thiệt hại về hoa màu hơn 1.492 ha. Sản xuất lúa hè thu có nhiều thuận lợi, tuy nhiên bão lũ nghiêm trọng những tháng cuối năm làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản. Tính chung cả năm 2020, năng suất lúa ước đạt 59,2 tạ/ha, giảm 0,4 tạ/ha so năm 2019; sản lượng thu hoạch đạt 320,2 nghìn tấn, giảm 2%. Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thuỷ hải sản giảm 1,9%. Đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi có bước phục hồi khá, tổng đàn lợn thời điểm 01/01/2021 đạt 133.588 con, so cùng kỳ tăng 9,9%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 ước tăng 10,2% so năm trước; thịt gia cầm hơi xuất chuồng tăng 8,4%. Trồng rừng trong năm đạt kết quả khá, sản lượng gỗ khai thác rừng trồng ước đạt 620.000 m3, tăng 1,8% so với năm trước. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ nông sản địa phương song không tác động lớn, song tác động mạnh đến ngành du lịch. Các cơ sở lưu trú chủ yếu chỉ phục vụ khách nội địa nhưng với lượng khách rất hạn chế. Tính chung cả năm 2020 lượt khách phục vụ tại các cơ sở lưu trú giảm 54,82% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế giảm 76,21%. Lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước năm 2020 đạt 1.015,9 nghìn lượt khách, giảm 54,82% so năm trước, trong đó, lượt khách quốc tế ngủ qua đêm đạt 259,7 nghìn lượt khách, giảm 76,21%. Tổng ngày khách ước thực hiện năm 2020 đạt 1.622,6 nghìn ngày, giảm 59,17% so với năm trước, trong đó ngày khách quốc tế đạt 517,8 nghìn ngày, giảm 77,48%; khách trong nước đạt 1.104,8 nghìn ngày, giảm 34%. Dự ước doanh thu cơ sở lưu trú năm 2020 ước đạt 792,3 tỷ đồng, bằng 45,15% so năm trước.

 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.326.051
Truy cập hiện tại 51 khách