Theo ông Sơn, nhằm phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái hỗ trợ DN, tỉnh đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển DN. Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ; chính sách hỗ trợ đối với DN thành lập mới; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; hỗ trợ chuyển đổi số, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ…
- Ông có thể nói cụ thể hơn về những chính sách hỗ trợ cho DN mới thành lập?
- Hiện, các cá nhân, tổ chức muốn thành lập DN sẽ nhận được hỗ trợ hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ nhanh, chính xác và hoàn toàn miễn phí. Các DN mới thành lập trên địa bàn tỉnh (trừ DN có vốn nước ngoài) sẽ được nhận hỗ trợ thêm chữ ký số điện tử (trị giá 1,5 triệu đồng sử dụng 1 năm); chi phí hóa đơn điện tử (trị giá 1,5 triệu đồng); hỗ trợ chi phí thuê kế toán (trị giá 24 triệu đồng) cho 24 tháng đầu đối với các DN siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu (trị giá 30 triệu đồng) cho các DN siêu nhỏ và nhỏ có phương án, dự án sản xuất các sản phẩm đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do UBND tỉnh tổ chức hàng năm hoặc sản xuất các sản phẩm thuộc các lĩnh vực: công nghệ thông tin, dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống, nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường, sản phẩm truyền thống.
Việc hỗ trợ này được thực hiện tại Văn phòng Đăng ký kinh doanh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN thuộc Sở KH&ĐT (7 Tôn Đức Thắng, TP. Huế) hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh (3 Lê Lai, TP. Huế).
- Hiệu quả hỗ trợ DN trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
- Một trong những hoạt động hỗ trợ được cộng đồng DN đánh giá cao phải kể đến hiệu quả của công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị DN cho đội ngũ quản lý DN, doanh nhân. Chỉ tính riêng 2 năm qua, các cơ quan, ban, ngành phối hợp với Hiệp hội DN, Hội Doanh nhân trẻ… hỗ trợ tổ chức cho hơn 3.200 doanh nhân tham gia các khóa đào tạo kỹ năng về quản trị nhân sự, maketing; 1.000 DN được đào tạo về các kỹ năng tái cấu trúc DN, điều hành… với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.
Cùng với hoạt động đào tạo, việc kết nối mở rộng thị trường đã tạo động lực quan trọng; trong đó DN được hỗ trợ đến 100% chi phí tổ chức các hoạt động bán hàng, thực hiện các chương trình đưa hàng Việt đến miền núi; hỗ trợ 70% chi phí tổ chức các hoạt động bán hàng thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Chỉ trong 2 năm qua, hơn 432 DN được hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm ra thị trường nước ngoài, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với kinh phí 1.905 triệu đồng. Các DN còn được hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ…
Một số hoạt động khác cũng được thực hiện nhằm hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, mở rộng thị trường. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã quan tâm và hướng tới phân khúc DN vừa và nhỏ, triển khai đa dạng các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho DN vừa và nhỏ. Có thể kể đến gói hỗ trợ cấp tín dụng ngắn hạn đối với DN vi mô, chương trình kết nối khách hàng tiềm năng, chương trình ưu đãi tín dụng SME Success… của các TCTD trên địa bàn giúp các DN vừa và nhỏ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm tín dụng khác nhau.
- Ông đánh giá gì về khả năng hấp thụ chính sách trên của DN?
- Chính sách rất nhiều và theo các mục tiêu hỗ trợ khác nhau, tùy theo tính chất hoạt động của mỗi DN sẽ hấp thụ chính sách hỗ trợ phù hợp nên số DN hấp thụ những chính sách này cũng rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có một số DN khả năng tiếp cận với các chính sách này chưa cao. Có thể lấy nhóm DN mới thành lập làm ví dụ.
Theo quy định, các DN mới thành lập trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN kể từ ngày 20/12/2019 (trừ DN có vốn nước ngoài) sẽ nhận được hỗ trợ sử dụng chữ ký số điện tử; chi phí hóa đơn điện tử; hỗ trợ chi phí thuê kế toán cho các DN siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh và hỗ trợ lãi suất vay vốn ban đầu.
Tuy nhiên, trong 152 DN đăng ký thành lập mới vào quý I năm 2021 chỉ có 69 DN nhận hỗ trợ sử dụng chữ ký số điện tử, hóa đơn điện tử (chiếm 45,39%). Nguyên nhân chủ yếu do người đại diện pháp luật của những DN thành lập mới này thường không thực hiện đăng ký trực tiếp hoặc trực tuyến (mà ủy quyền cho các nhóm hỗ trợ hoạt động không chính thức) nên thường không nắm bắt được các chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Phải nghiêm túc nhìn nhận rằng, công tác truyền thông của các cơ quan Nhà nước về các chính sách do Nhà nước ban hành để hỗ trợ DN chưa đạt được kết quả như mong đợi. Bản thân các DN cũng chưa thực sự mặn mà với việc tiếp nhận các chính sách. Điều này có thể xuất phát từ năng lực tiếp cận thông tin của DN, hoặc DN chưa tiếp xúc được với các đầu mối thông tin hỗ trợ, hoặc các chính sách chưa đánh trúng nhu cầu của DN.
Nhiều DN hiện vẫn có tâm lý dè dặt khi tiếp cận với các ban ngành, điều này cản trở quá trình tiếp nhận thông tin hỗ trợ.
- Vậy theo ông đâu là giải pháp để các chính sách đến gần hơn với DN?
- Hiện nay, Sở KH&ĐT đang thực hiện tăng cường và thay đổi phương thức truyền thông. Theo đó, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông chính thống, các trang thông tin điện tử, fanpage của các sở, ban, ngành để đăng thông tin về các chính sách hỗ trợ. Đồng thời, phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tăng cường truyền thông các chính sách hỗ trợ đến cộng đồng DN hội viên.
Sở KH&ĐT cũng tập trung quán triệt về tinh thần, thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức; kiên trì thay đổi tư duy trong toàn bộ hệ thống, lấy tư duy hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN làm chủ đạo, thay cho tư duy quản lý DN. Thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm phục vụ và hỗ trợ DN ngày càng tốt hơn.
Cùng với nỗ lực của ngành, các DN nhất là người đứng đầu DN cần mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận các kênh thông tin hỗ trợ. DN có thắc mắc về chính sách có thể liên hệ với Văn phòng Đăng ký kinh doanh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN thuộc Sở KH&ĐT hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Hoàng Loan (Thực hiện)