Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018
Ngày cập nhật 21/05/2018
Ảnh minh họa

(MPI) – Ngày 15/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo Nghị quyết, sau 4 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, nhìn chung, các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc. Đây là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đạt được cho đến nay.

Nghị quyết 19/2018/NQ-CP tiếp tục bám sát các tiêu chí đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn kinh tế Thế giới, về năng lực đổi mới sáng tạo của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới và chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Đồng thời, kiên định các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu đến năm 2020 chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam ngang hàng với trung bình các nước ASEAN 4.

Bên cạnh đó, tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc, giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc, giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư. Giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4…

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Cụ thể, các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31/5/2018, trong đó xác định cụ thể mục tiêu, các nhiệm vụ phải thực hiện, các văn bản pháp luật phải bổ sung, sửa đổi, thời hạn hoàn thành và đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm, cách thức giám sát, đánh giá.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, hoàn thành trước ngày 31/5/2018, trong đó tập trung các nhiệm vụ chủ yếu: Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội theo thông lệ quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công; Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch; Thực hiện các giải pháp thiết thực giảm chi phí logistics; Phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; Thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện; Kết hợp thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ với cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

Bên cạnh đó, thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; Chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp; Kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng. Tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến; Áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước; Triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp...

Trong công tác rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh: đối với các Bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các điều kiện kinh doanh cụ thể, thì hoàn thành việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2018. Đối với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018.

Trong công tác cải cách các quy định về kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ giao Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tập hợp, cung cấp danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành, trên cơ sở đó kiến nghị danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành cần cắt giảm. Các Bộ, ngành cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trong từng lĩnh vực ngay trong năm 2018. Danh mục hàng hóa cắt giảm phải kèm theo mã HS tương ứng quy định tại Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính và phải được quy định tại một quyết định cụ thể.

Trước ngày 31/10/2018, hoàn thành việc rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm thay đổi chức năng, thẩm quyền của các bộ theo hướng đối với một mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý. Đổi mới phương thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân và không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch. Tạo môi trường cạnh tranh, minh bạch khuyến khích phát triển thị trường các dịch vụ thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận, xóa bỏ độc quyền của một số tổ chức được các bộ quản lý chuyên ngành chỉ định như hiện nay.

Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cải thiện thứ hạng chỉ số Khởi sự kinh doanh theo đúng mục tiêu đã định; Tăng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh thêm ít nhất 40 bậc trên bảng xếp hạng; Kết hợp công bố thông tin doanh nghiệp cùng thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp; Hoàn thành trước tháng 6/2018; Kiến nghị giảm tối thiểu 50% phí công bố thông tin doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp, thời hạn trình Chính phủ tháng 6/2019 và soạn thảo Luật đầu tư công sửa đổi trình Chính phủ trong quý III/2018 nhằm khắc phục bất hợp lý, chưa rõ ràng, chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn và khác nhau trong các nội dung có liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước tháng 10/2018 Danh mục ngành nghề loại bỏ khỏi Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục IV Luật đầu tư số 67/2014/QH13.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao đăng tải thông tin về vụ việc phá sản, danh sách chủ nợ tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đưa một số chỉ số về đổi mới sáng tạo vào thống kê quốc gia, thực hiện thống kê theo định kỳ…

Theo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, theo dõi, đánh giá về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh và tổng hợp báo cáo Chính phủ tại các phiên họp thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm.

Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về đổi mới sáng tạo; Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và làm đầu mối theo dõi việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả Chính phủ điện tử. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh ngành du lịch; Bộ Công Thương làm đầu mối theo dõi việc cắt giảm chi phí logistics và cải thiện các chỉ số về năng lực cạnh tranh ngành logistics.

Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, trước ngày 15 của tháng cuối quý và trước ngày 15/12 tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện trong quý và cả năm gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý và cuối năm.../.

 

Minh Trang

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.334.072
Truy cập hiện tại 2.834 khách