Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ
Ngày cập nhật 28/05/2018

Tiếp tục ngày làm việc thứ 2, Quốc hội khóa XIV, sáng 22/5, Đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế cùng các đoàn Yên Bái, Sóc Trăng, Cao Bằng thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.

Tăng trưởng phải gắn liền với phát triển bền vững

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Phan Ngọc Thọ nhìn nhận, ở góc độ địa phương thì việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế hiện nay rất khó khăn, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực: chủ động, năng động trong việc thực thi các quyết sách của Quốc hội, Trung ương Đảng. Tuy nhiên, sẽ khó đạt như yêu cầu để chuyển đổi cả một nền kinh tế khi đang phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố bên ngoài đặc biệt trong xu thế bảo hộ của các nước lớn như Mỹ và các nước châu Âu.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ đề nghị khi thẩm tra báo cáo cần đánh giá hết sức khách quan, thận trọng đối với những nỗ lực của Chính phủ trong quá trình điều hành thực thi các nhiệm vụ mà Quốc hội giao, qua đó tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Cần khẳng định những kết quả đạt được cũng như những giải pháp căn cơ để xử lý trong từng giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế là hết sức quan trọng, làm nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo; nếu không có những giải pháp, biện pháp hiệu quả thì chắc chắn rằng 6 điểm hạn chế, yếu kém đã nêu sẽ tiếp tục diễn ra.

Với sự điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2018, đại biểu đánh giá cao những giải pháp mà Chính phủ đã triển khai nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém mà Chính phủ đã nhận định trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Đại biểu Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, rõ ràng con số phải thừa nhận quý I tăng trường GDP 7,38% là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, tuy không chủ quan duy trì ý tưởng quý sau cao hơn quý trước nhưng tốc độ này làm sao giữ vững để đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,7 % hoặc cao hơn nữa.

Đại biểu cho rằng, tăng trưởng phải gắn liền với phát triển bền vững và hạn chế phụ thuộc vào dầu thô, khoáng sản, cùng một số yếu tố khác. Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách hành chính, cải cách thể chế trong năm 2017 và đầu năm 2018 qua hàng loạt thủ tục hành chính (TTHC) và cũng như điều kiện kinh doanh của các bộ ngành đã được cắt giảm. Tuy nhiên, việc cắt giảm này cũng cần đánh giá một cách khách quan, thận trọng vì quản lý nhà nước thông qua cấp phép, thông qua TTHC trong khi nhận thức xã hội chưa cao thì công tác kiểm tra, giám sát thực thi công vụ còn nhiều hạn chế, yêu kém nếu không cẩn trọng trong đánh giá các chỉ tiêu cắt giảm TTHC, thủ tục kinh doanh thì nhiều khi tiến hành quản lý, giám sát không nổi.

Việc cắt giảm, điều chỉnh các cơ chế về TTHC phải gắn liền với việc nâng cao nhận thức trong thực thi công vụ nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, người dân trong việc thực thi pháp luật nâng cao chế tài xử lý vi phạm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nếu không có một cơ chế phù hợp thì sẽ không hậu kiểm nổi, đội ngũ cán bộ năng lực và nhận thức; thực tế hay đòi hỏi về chính quyền, nhưng cũng phải tăng cường về nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ.

Đại biểu ủng hộ việc cắt giảm TTHC, cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng phải đánh giá hết hệ quả của quá trình cắt giảm này, đừng làm theo phong trào là không ổn. Có những thủ tục cần phát sinh ra để quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các công dân, doanh nghiệp thực thi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình, không phải cứ cắt giảm nhiều là tốt. Về địa phương, cần nhìn nhận cắt giảm nào, tăng thêm các thủ tục nào, điều kiện nào cần đánh giá tác động rất kỹ để đảm bảo sự phát triển xã hội, đảm bảo tạo điều kiện cho các công dân, cũng như tổ chức tham gia phát triển sản xuất một cách chính đáng, một cách bài bản theo các quy định của pháp luật.  

Hành động quyết liệt hơn

 

Đại biểu các tỉnh Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Sóc Trăng, Cao Bằng tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5

Việc quản lý xã hội, theo đại biểu Phan Ngọc Thọ, Chính phủ cần phải hành động quyết liệt hơn nữa, rà soát lại các TTHC đang làm liên quan đến luật. Qua việc tiếp xúc cử tri và qua phản ánh tại nhiều kỳ họp của Chính phủ thì luật còn nhiều bất cập, đặc biệt luật đất đai, luật môi trường, luật đầu tư… ai cũng nhìn nhận nhưng giải pháp đề ra để đấy nhanh việc khắc phục chồng chéo bất cập này, địa phương lúng túng và các bộ ngành cũng lúng túng vì các bất cập do cách viết, do nội dung điều chỉnh và thậm chí do cách hiểu.

Nhận định tình hình, đại biểu cho rằng, về nguyên tắc, các bộ đều cho rằng luật của mình đưa ra là đúng, nhưng khi áp dụng cho những đan xen, liên thông giữa 2 luật vẫn còn nhiều bất cập. Theo đại biểu, khi đã luật hóa thì vai trò của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là rất lớn. Đồng thời, phải dành thời gian phù hợp để rà soát, phát hiện để điều chỉnh kịp thời những luật bất cập. Quốc hội đang giám sát việc triển khai pháp luật, như vậy tiếng nói của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phải có nhiều hơn, phải có chương trình cụ thể để đưa ra trước Quốc hội để kiến nghị với Chính phủ đề xuất xử lý kiến nghị, làm sao tránh chồng chéo xử ký những vướng mắc.

Đại biểu hoan nghênh Chính phủ đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ hay ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành của Chính phủ để xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử. Chính phủ quyết định thành lập một ủy ban Chính phủ số do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo là một hình thức quyết liệt mà thực tế của các địa phương công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT mà không do người đứng đầu chỉ đạo sẽ vô cùng khó. Đề nghị sớm thể chế hóa những chương trình cụ thể để việc chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, các dịch vụ trên môi trường mạng, môi trường số cần phải nhanh từ trung ương đến địa phương.

Theo đại biểu, trước mắt cần đẩy nhanh việc xây dựng chương trình về xây dựng cơ sở dữ liệu công dân - một trong những cơ sở dữ liệu nền tảng để quản lý công dân và sẽ là làng phí nếu triển khai chậm cơ sở dữ liệu công dân. Thông qua mỗi công dân đều có mã định danh, rất nhiều ngành đã triển khai nhưng Bộ Công an triển khai chậm sẽ ảnh hưởng đến cái chung của toàn xã hội. Đặc biệt, lãng phí hiện nay là ngành nào cũng xây dựng cơ sở riêng của mình như BHYT, BHXH là những ngành đã triển khai sớm ở tầm quốc gia. Đại biểu đề xuất cần đánh giá lại vì nhiều khi đây chính là sự lãng phí.

Nhiều kết quả quan trọng, toàn diện

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%, lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5-1%.

Tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước đạt 7,38%, là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng GDP quý I của một số năm: Năm 2009 tăng 3,14%; năm 2010 tăng 5,84%; năm 2011 tăng 5,90%; năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,76%; năm 2014 tăng 5,06%; năm 2015 tăng 6,12%; năm 2016 tăng 5,48%; năm 2017 tăng 5,15%; năm 2018 tăng 7,38%.

Điểm nổi bật là tăng trưởng của cả 3 khu vực (nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều đạt mức cao so với cùng kỳ năm 2017, tạo thế vững chắc thúc đẩy tổng cung và đóng góp vào mức tăng trưởng chung. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước tăng trưởng vượt bậc, tăng khoảng 4,05%, gấp gần 2 lần mức tăng cùng kỳ năm 2017 (2,08%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 9,7%, cao hơn 2 lần mức tăng cùng kỳ. Khu vực dịch vụ tăng 6,7%, cao hơn mức cùng kỳ năm 2017(6,36%). Trong đó các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều có mức tăng ấn tương, nhất là: bán buôn và bán lẻ (7,45%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (7,6%); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (7,72%).

Xuất khẩu tiếp tục đà tăng mạnh; trong những tháng đầu năm, nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đã được ký kết; tổng kim ngạch 4 tháng đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; cơ cấu chuyển dịch tích cực, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 21,8%. Đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho một số hàng nông sản như vú sữa, thanh long, vải, chôm chôm, thịt gà…; riêng mặt hàng gạo tăng 22,3% về lượng và 38,3% về kim ngạch, giá bán tốt hơn, có lợi cho nông dân.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 10,4% (cùng kỳ 9,5%); trong đó vốn đầu tư tư nhân trong nước tăng mạnh 16,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện 4 tháng ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Thu NSNN 4 tháng tăng 12,1% so với cùng kỳ, đạt 33,8% dự toán; đáp ứng kịp thời các khoản chi theo kế hoạch và các nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ. Rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực công thương, y tế, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp... Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bình quân đạt mức cao nhất kể từ khi thực hiện năm 2005 đến nay.

Những con số trên cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước góp phần chuyển biến tích cực tình hình kinh tế- xã hội, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.334.072
Truy cập hiện tại 2.560 khách