Làm việc với Đoàn giám sát Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cùng đại diện các Sở ngành, địa phương liên quan.
Theo Thống kê của UBND tỉnh, hiện tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh 502.629ha; trong đó, đất lâm nghiệp chiếm 334.908ha, bao gồm đất hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cộng đồng dân cư và tổ chức tôn giáo…
Để triển khai Nghị quyết 112/2015/QH12 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Chỉ thị số 65/2015/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; xây dựng đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Công tác lập hồ sơ ranh giới, hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty Lâm nghiệp; các Ban quản lý rừng đã hoàn thành, bàn giao sử dụng đất đạt 98,8%. Đất đai được quản lý chặt chẽ, thường xuyên được theo dõi, cập nhật biến động và việc sử dụng đất rừng ngày càng hiệu quả và ổn định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết thì mặc dầu tỉnh đã có nhiều giải pháp quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường hiệu lực, hiệu quả nhưng vẫn còn một số vấn đề khó khăn tồn tại như: công tác lập, thực hiện phương án sử dụng quỹ đất trả về địa phương còn khó khăn do diện tích trả về địa phương từ năm 2004 đến nay khá lớn; công tác lập và thực hiện phương án sử dụng đất các công ty Lâm nghiệp chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu do việc sáp nhập, cổ phần hóa chưa hoàn thành; một phần diện tích đất bên trong các công ty Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng vẫn còn nhiều loại đất của các hộ gia đình, cá nhân chưa bóc tách ra được, tạo ra sự đan chéo, xen kẽ khó kiểm soát.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội đánh giá cao việc triển khai Nghị quyết 112/2015/QH12 của tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó có sự nỗ lực rất lớn của các Ban ngành và của các địa phương. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội yêu cầu trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát đất rừng, đất lâm nghiệp giao cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số có đất sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết dứt điểm các vụ việc xâm chiếm đất rừng; rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; bố trí kinh phí đo đạc, lập bản đồ đất rừng và sớm hoàn thành trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, đơn vị.