Kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đã được khẳng định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Kết luận của Bộ Chính trị số 56-KL/TW ngày 21/02/2013; Luật hợp tác xã và hệ thống các văn bản, nghị quyết liên quan. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/01/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cấu trúc ngành nông nghiệp, trong đó đặt mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và liên hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả”.
Tại Thông báo, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị và tham mưu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức Hội nghị để triển khai thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm đảm bảo thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 ngày 23/01/2016 của Quốc hội.
Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, tạo thêm việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động và thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (khoảng 5,6% GDP) đến nay kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là hợp tác xã đã thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài và có bước phát triển khởi sắc, trong năm 2017 có trên 46% hợp tác xã hoạt động có hiệu quả là tiền đề để phấn đấu đạt mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Nhiều hợp tác xã đã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động, có chuyển biến về quy mô, công nghệ, … Tuy nhiên, thu nhập của hợp tác xã và thành viên còn thấp nên người dân không tích cực tham gia vào hợp tác xã. Quy mô chưa phù hợp, số hợp tác xã tham gia liên kết ít, tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng chưa cao dẫn đến tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất còn gặp khó khăn.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thời gian tới cần tập trung nâng cao nhận thức về sự cần thiết thực hiện Đề án 15.000 hợp tác xã, quán triệt chủ trương phát triển hợp tác xã gắn với thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất và thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra với doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp để giúp cho người nông dân hạn chế rủi ro, phát huy vai trò của kinh tế hộ, tăng cường liên kết nông dân trong hợp tác xã với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà khoa học. Lưu ý khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý và hành chính gò ép và thành lập hợp tác xã hoạt động không có hiệu quả, phải chú ý đến chất lượng, kiên quyết không chạy theo thành tích xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế pháp lý để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ hợp tác xã nông nghiệp là vấn đề quyết định đến sự phát triển.
Về nguồn lực, huy động các nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước theo các chương trình quốc gia, dự án hỗ trợ, huy động các nguồn lực khác, trong đó quan trọng là nguồn vốn tín dụng để hợp tác xã vay vốn hoạt động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất bố trí, cân đối các nguồn vốn hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 461/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố căn cứ các nội dung được giao trong Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và Quyết định số 461/QĐ-TTg để chỉ đạo và triển khai thực hiện; rà soát để điều chỉnh, bổ sung các nghị quyết, đề án, kế hoạch của địa phương đã ban hành phù hợp và thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án 15.000 hợp tác xã; từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện; bổ sung nguồn lực, nhất là lồng ghép các nguồn lực của Trung ương, địa phương và các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện. Đẩy mạnh phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp để đề ra mục tiêu phù hợp.
Về công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong việc quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước chung về hợp tác xã, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý nhà nước về hợp tác xã nông nghiệp, có thể ủy thác một số nhiệm vụ cho Liên minh Hợp tác xã nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất là phải phát huy vai trò là tổ chức đại diện của hợp tác xã tránh chồng chéo, không thống nhất trong việc giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương. Tăng cường chế độ thông tin, báo cáo, tổng kết mô hình. Tạo điều kiện để giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động, nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Thường xuyên tổ chức tôn vinh các hợp tác xã, doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế hợp tác và liên kết./.