Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

GDP năm 2018 tăng 7,08%
Ngày cập nhật 04/01/2019

(MPI) – Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Họp báo “Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2018” diễn ra ngày 27/12/2018. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chủ trì họp báo.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%. Tăng trưởng quý IV/2018 thấp hơn tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016. Trên góc độ sử dụng GDP quý IV năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 9,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,50%.

GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Thông báo một số vấn đề cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam quý IV và năm 2018, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục khởi sắc với tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá; công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ thị trường tiếp tục tăng cao, giữ vững vai trò là động lực tăng trưởng. Thực hiện vốn đầu tư phát triển hiệu quả hơn với nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung cho nền kinh tế. Môi trường kinh doanh đang ngày càng cải thiện. Tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu và thu hút khách du lịch quốc tế đạt khá. Tình hình giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: MPI

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó: GDP tăng 6,6%-6,8%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%-8%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%..., các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2019.

Theo đó, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển, đồng thời rà soát các thủ tục liên quan tới giải thể, phá sản doanh nghiệp bảo đảm nhanh và hiệu quả. Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.

Đồng thời, tiến hành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện có hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản. Cùng với đó, chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa cao, có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức đúng và thực thi phương châm: “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”. Chú trọng phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để nền kinh tế có thể hòa nhập, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ cần đổi mới phương thức thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, đang nắm giữ công nghệ nguồn có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao đầu tư vào Việt Nam, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa, ngăn ngừa việc chuyển dịch các dòng vốn gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu vào Việt Nam. Đồng thời, đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ thực hành giỏi để đáp ứng nhu cầu lao động trong xu thế vận hành của cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện ba khâu then chốt của nền kinh tế: Đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực..../.

Mai Phương

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.328.669
Truy cập hiện tại 187 khách