Theo báo cáo của UBND tỉnh, căn cứ Luật ngân sách năm 2015, công tác điều hành thu, chi nguồn ngân sách đảm bảo tuân thủ nguyên tắc về phân cấp, thẩm quyền và quyết toán theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong đó đã kịp thời rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế độ, định mức, tiêu chuẩn về tài chính và quản lý, sử dụng tài sản công. Qua đó, đã hạn chế tình trạng thất thu nguồn ngân sách, góp phần trong sử dụng các nguồn thu để đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, năm 2017, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 7.052 tỷ đồng, vượt dự toán giao, có 11/17 chỉ tiêu hoàn thành vượt dự toán được giao; trong đó thu nội địa đạt trên 6.524 tỷ đồng, chiếm 93% tổng thu ngân sách; tổng chi ngân sách địa phương thực hiện trên 6.071 tỷ đồng, không có bội chi ngân sách. Năm 2018, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 7.700 tỷ đồng, vượt dự toán giao, dự ước có 10/16 khoản thu đạt và vượt dự toán giao...
Đối với xây dựng dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất theo chỉ tiêu của Trung ương giao. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội quan tâm có ý kiến với Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét cấp nguồn kinh phí hàng năm hỗ trợ cho địa phương thực hiện đề án di dời, giải tỏa giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế cũng như xem xét cho cơ chế riêng về đầu tư phát triển đô thị di sản...
Toàn cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng đánh giá cao kết quả quyết toán thu, chi ngân sách và thực hành tiết kiệm chống lãng phí của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua. Để tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời quản lý và sử dụng tốt nguồn ngân sách nhà nước, đồng chí Bùi Đặng Dũng đề nghị, tỉnh cần quan tâm trong việc chỉ đạo các cấp, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Thuế và Luật Ngân sách Nhà nước từ giao dự toán thu, phê duyệt, phân bổ dự toán chi, quản lý, sử dụng, kiểm soát chi và quyết toán ngân sách Nhà nước. Đặc biệt là cần chỉ đạo chặt chẽ để chống thất thu, chuyển giá; quản lý tốt tài sản công và nguồn tài chính đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường công tác quản lý trong xử lý nợ và công tác chi ngân sách trên địa bàn.
Vềi những đề xuất của tỉnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đoàn sẽ tổng hợp trình Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, giải quyết.