Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vietnam Innovation Network - Liên kết tinh hoa, lan tỏa động lực (Xem tin ảnh)
Ngày cập nhật 21/08/2018

(MPI) – Với ý nghĩ kết nối các đại diện tiêu biểu người Việt trên khắp thế giới cùng tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chiến lược 4.0, mang lại cơ hội tiếp cận hiệu quả cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngày 19/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Công bố Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha ta, ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú trọng đến việc đào tạo và trọng dụng nhân tài. Trên báo Cứu quốc, Người đã viết: Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Khâm phục tài đức của Người và theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài như các vị: Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di,… đã tự nguyện trở về phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nhiều người sau này đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật của đất nước. Nhờ có tư tưởng lớn về nhân tài, Người đã tập hợp được một lực lượng hùng hậu các nhân sĩ, trí thức, nhân tài, họ khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội, nhưng tất cả đều có chung một ý chí đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia và huy động lực lượng nhân tài, trí thức trong lĩnh vực khoa học, công nghệ nòng cốt. Với sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo, đã có hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia công nghệ tiêu biểu cho thế hệ tài năng, trí thức người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài hưởng ứng tham gia, cùng hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia công nghệ trong nước và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, cùng gặp gỡ, tạo mối liên kết, trao đổi, chia sẻ tầm nhìn, chiến lược phát triển khoa học công nghệ và những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành có liên quan khẳng định quyết tâm, cam kết cùng với những hành động thiết thực để thúc đẩy Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển, phát huy hiệu quả để góp phần nhanh chóng bắt kịp, tiến cùng và vượt lên về khoa học, công nghệ và kinh tế. Buổi lễ hôm nay sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc quy tụ các nhân tài phục vụ đất nước. Tuy mới đạt được những thành công bước đầu, nhưng điều này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khoa học, công nghệ của đất nước, nhất là giới trẻ Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đất nước luôn tự hào, mong chờ và đặt niềm tin vào các tài năng trẻ. Tất cả chúng ta hãy cùng siết chặt tay nhau, cùng hướng về phía trước với một khát vọng mãnh liệt, một trái tim nhiệt huyết và một tinh thần trách nhiệm để cùng nhau làm cho Việt Nam mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn.

Lễ công bố Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tại buổi Lễ, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học người Việt tại nước ngoài đã có những chia sẻ về những mối quan tâm và đưa ra các kiến nghị để góp phần thúc đẩy phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Theo TS. Bùi Hải Hưng, chuyên gia nghiên cứu của Google Deepmind, Hoa Kỳ, ngành trí tuệ nhân tạo(AI) thế giới tương đối “có duyên” với người Việt đang làm về công nghệ. Số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft…, những giáo sư tại các đại học hàng đầu thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công.

Thế nhưng, Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới. “Việt Nam nên làm gì? TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, Việt Nam nên tập trung xây dựng một trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Việt Nam và đây là cách hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam trên bản đồ AI”. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng quy trình đào tạo AI tại Việt Nam nên chú trọng đầu tư cơ sở điện toán đám mây.

PGS. TS. Hồ Anh Văn, Viện Công nghệ khoa học và kỹ thuật tiên tiến Nhật Bản lại cho rằng, công thức thành công của mạng lưới kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ là “Thành công = năng lực x nhiệt huyết x cách nghĩ”. Nếu các trí thức ở nước ngoài cần sự nhiệt huyết, thì Chính phủ cần có các chính sách cụ thể và các trí thức trong nước cần sự sẵn sàng đón nhận.

Nguyên tắc chung để thành công của các quốc gia, đó là “lấy văn hóa làm nền tảng của sự kết nối giữa con người với con người, lấy tinh thần dân tộc, niềm tự hào, tự tôn dân tộc làm động lực dấn thân”, Ths. Trần Văn Hinh, thành viên Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp chia sẻ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh: Đức Trung (MPI)

Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ về lịch sử ngày 19/8, về những chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt Nam để có được những kết quả như ngày hôm nay. Tất cả người Việt Nam đều cảm thấy tự hào về lịch sử vẻ vang của dân tộc, qua đó để thấy được trách nhiệm của chúng ta đối với các thế hệ đi trước cũng như với tương lai và với các thế hệ mai sau. Đồng thời nhấn mạnh về tính sáng tạo của con người Việt Nam, của các thế hệ đi trước cũng như trong hiện tại.

Chúng ta đã thoát nghèo và chúng ta đang có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh và khát vọng đấy phải được nung nấu trong mỗi con người Việt Nam. Mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta là quốc gia tăng trưởng nhanh và đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ.

Trong buổi Lễ hôm nay chúng ta đã chia sẻ rất nhiều về công nghệ, về cơ hội và thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, về trí tuệ nhân tạo, bigdata,… nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta hãy nắm tay nhau để truyền khát vọng đưa đất nước đi lên, nắm tay nhau để củng cố niềm tin, để cho nhau động lực, nắm tay nhau để kiên trì đi đến cuối con đường, để sau này chúng ta tự hào với các thế hệ mai sau là chúng ta không bỏ lỡ cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ công bố. Ảnh Đức Trung (MPI)

Tiếp thêm động lực cho thế hệ trẻ Việt Nam, đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức TW khẳng định, phát huy truyền thống của ông cha ta, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân tài, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước luôn coi đội ngũ nhân tài là nguồn nhân lực đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng góp phần tạo nên sức mạnh của toàn dân tộc. Việc thu hút nhân tài dựa trên văn hóa là nền tảng, dân tộc là động lực và Nhân dân là mục tiêu.

Việc tổ chức triển khai sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, đất nước ta đứng trước nhu cầu của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn diện, đồng bộ, sâu sắc, công cuộc đổi mới xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng…

Đồng chí Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao trí tuệ, tình cảm và tấm lòng nhiệt huyết, sự đóng góp chung vào quá trình phát triển đất nước của các đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, hy vọng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam sẽ trở thành diễn đàn thu hút và kết nối các tri thức khoa học, chuyên gia công nghệ trong và ngoài nước, thúc đẩy hợp tác trong cộng đồng khoa học về Việt Nam để nâng cao năng lực khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo trong nước và khuyến khích các nhà khoa học công nghệ người Việt trên thế giới trở về nghiên cứu, xây dựng vì sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam./.

 

Thúy Quyên

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.334.072
Truy cập hiện tại 3.003 khách