Theo báo cáo tại hội nghị thì kết quả chỉ số Cải cách hành chính- Par Index (CCHC) năm 2017 của tỉnh đạt 79,86/100 điểm, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành; trong đó, phần đánh giá kết quả thực hiện CCHC đạt 49,05/62 điểm, và phần đánh giá tác động của CCHC đạt 30,81/38 điểm; có 56 tiêu chí thành phần (TCTP) đạt điểm tối đa và có 25 TCTP chưa đạt điểm tối đa do tỉnh chưa triển khai thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa đúng tiến độ. Cũng trong năm 2017, chỉ số quản trị hiệu quả và hành chính công (chỉ số Papi) của tỉnh đạt 36,03/60 điểm, xếp vị thứ 37/63 tỉnh, thành phố (tăng lên 5 bậc và tăng 0,69 điểm so với 2016).
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trên địa bàn. Bên cạnh đó đã tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tham mưu, ban hành văn bản QPPL nhằm loại bỏ tình trạng lợi ích cục bộ trong quá trình ban hành văn bản QPPL. Kịp thời phát hiện và xử lý những văn bản có nội dung không đúng quy định của pháp luật, thiếu đồng bộ, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 2.243/2.248 TTHC được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (tỷ lệ 99,78%); trong đó, cấp sở có 1.332 TTHC một cửa và 374 TTHC liên thông; UBND cấp huyện có 350 TTHC một cửa và 34 TTHC liên thông; UBND cấp xã có 134 TTHC một cửa và 19 TTHC liên thông.
Mục tiêu được đặt ra trong công tác CCHC của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo là phấn đấu nằm trong nhóm những tỉnh, thành có chỉ số CCHC tốt nhất của cả nước. Để làm được điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ chỉ rõ, cải cách hành chính là công việc thường xuyên và liên tục với phương châm đặt ra của tỉnh là “ thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương không chỉ là chủ thể giám sát mà là người tiên phong trong công tác này tại địa phương, cơ sở. Phải công khai minh bạch cho người dân và doanh nghiệp các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công.
Tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu, các đơn vị, địa phương cần tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Trung tâm Hành chính công tỉnh. Triển khai Đề án Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, thực hiện thí điểm và triển khai nhân rộng ở 100 xã, phường, thị trấn vào cuối năm 2018, hướng đến mục tiêu tạo lập môi trường làm việc trên mạng, tạo dựng hồ sơ điện tử cho công dân, tổ chức. Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và cấp xã. Đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015. Thực hiện khảo sát lấy ý kiến về mức độ hài lòng trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của doanh nghiệp, người dân đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh liên quan đến dịch vụ hành chính công. Triển khai phần mềm xây dựng công cụ, phương thức đánh giá sự hài lòng của người dân đối với một số dịch vụ công.
Dịp này, UBND tỉnh cũng đã trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 6 tập thể đã có thành tích xuất sắc tại Hội thi Chung tay cải cách hành chính năm 2018. (Ảnh dưới)