Hội nghị lần này nhận được 356 tham luận, trong đó có 115 thông báo về Khảo cổ học tiền sử, 184 bài về Khảo cổ học lịch sử, 41 bài về Khảo cổ học Champa – Óc Eo, 10 bài về khảo cổ học Dưới nước và 6 bài về các hoạt động chung trong ngành.
Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải – Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, hội nghị lần này đề cập rất nhiều các vấn đề khảo cổ học như: Kết quả các cuộc điều tra, khai quật, thông tin về các phát hiện mới, các nghiên cứu mới. Đáng chú ý trong số những phát hiện mới được công bố lần này có kết quả khai quật khảo cổ học tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai được phát hiện từ năm 2014; hay việc phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc trong một cuộc khai quật mới nhất được thực hiện bởi các nhà Khảo cổ học Việt Nam và Úc; những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về ADN trong Khảo cổ học giữa Việt Nam và Đan Mạch...
Một số phát hiện mới trong công tác khảo cổ tại Thừa Thiên Huế cũng được thông tin tại hội nghị này, đó là việc khai quật thăm dò di tích gò Dương Xuân cung cấp thêm những tư liệu phục vụ nghiên cứu giai đoạn lịch sử thời Tây Sơn – Nguyễn Huệ; Kết quả khảo cổ Di tích Hải Vân Quan làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn và một số dấu tích kiến trúc được xây dựng giai đoạn 1946 – 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.
Hội nghị thông báo những phát hiện mới khảo cổ học lần thứ 53 được tổ chức tại Thừa Thiên Huế là dịp để tỉnh mở rộng hợp tác, quảng bá hình ảnh Di sản Huế, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời là dịp để các nhà khoa học chia sẻ các kết quả nghiên cứu, là cơ hội để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ tiếp cận, học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực nghiên cứu khoa học của mình.
Các đại biểu tham quan trưng bày những kết quả nghiên cứu mới về Khảo cổ học