Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các cơ hội để thu hút FDI
Ngày cập nhật 03/10/2018

(MPI) – Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài, đồng hành cùng sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Tọa đàm Dấu ấn FDI do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.

Tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường thuận lợi, thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp FDI

Tại Tọa đàm, chia sẻ về quan điểm các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được nhận ưu đãi nhiều hơn các nhà đầu tư trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, với các quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì quan điểm này không chính xác. Trước năm 2005, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước là 32%, còn doanh nghiệp nước ngoài là 18-25%. Sau đó, doanh nghiệp nước ngoài được hưởng thuế nhập khẩu còn doanh nghiệp trong nước không được hưởng. Đến năm 2005, khi Luật đầu tư nước ngoài năm 2000 và Luật khuyến khích đầu tư trong nước được hợp nhất và thống nhất không có ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài hiện nay vẫn còn những rào cản nhất định trong việc tiếp cận thị trường, các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về mở cửa thị trường đối với đầu tư nước ngoài hiện chưa đạt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài là cuộc chơi, sự cạnh tranh giữa các quốc gia có nguồn lực giới hạn và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các doanh nghiệp FDI sẽ tập trung đầu tư. Do vậy, nếu chúng ta tạo mọi điều kiện thuận lợi với cơ chế ưu đãi, hỗ trợ, thân thiện và tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư thì họ sẽ nhìn thấy hiệu quả và đến đầu tư.

Đến nay, nhận thức, tư duy, tầm nhìn của chúng ta liên tục thay đổi, thích ứng với công cuộc, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực FDI theo hướng tiếp cận với công nghệ tốt của quốc tế, tiệm cận với nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Theo đó, chúng ta đã liên tục điều chỉnh chính sách để tạo môi trường tốt nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Giá trị của FDI khác nhau về tính chất, quy mô và đến nay nó đã thay đổi hoàn toàn so với các thời kỳ đầu

Chia sẻ về giá trị của FDI trước đây so với bây giờ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chính sách đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986. Theo đó, chúng ta đã quyết định thực hiện công cuộc đổi mới, xác định chuyển đổi nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư. Bối cảnh kinh tế lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn đó chỉ 4,4%, quy mô nền kinh tế năm 1989 là 6,29 tỷ USD, kinh tế khủng hoảng, lạm phát 3 con số, công nghiệp và nông nghiệp hầu như kiệt quệ, đất nước có hơn 90% là nông nghiệp nhưng lại thiếu lương thực,… Trước bối cảnh đó, Việt Nam đã có quyết định đúng đắn, chính xác và kịp thời, làm thay đổi nền kinh tế đất nước. Cũng trong giai đoạn này, mặc dù chưa hình dung được quy mô đầu tư nước ngoài nhưng chúng ta đã xác định xây dựng và ban hành Luật đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm đó, Việt Nam khuyến khích sản xuất hàng hóa thay thế hàng hóa nhập khẩu nhằm tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Số lượng và quy mô của các doanh nghiệp cũng như tính chất của từng dự án lúc này rất đơn sơ, nhỏ bé. Đến giai đoạn tiếp theo, chúng ta bắt đầu tập trung vào vấn đề xuất khẩu để đảm bảo cán cân thanh toán, tránh nhập siêu; tập trung tạo ra các dịch vụ để thu hút và cân đối được ngoại tệ. Tiếp đến, chúng ta tập trung vào công nghệ cao, công nghệ nguồn, thu hút đầu tư của những tập đoàn xuyên quốc gia. Đến giai đoạn hiện nay, chúng ta tập trung sang định hướng khác, đó là phải đảm bảo phát triển bền vững, phải gắn kết với quá trình cải cách, quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết và tạo lan tỏa với các doanh nghiệp trong nước. Như vậy, mỗi giai đoạn giá trị của FDI khác nhau về tính chất, quy mô và đến nay nó đã thay đổi hoàn toàn so với các thời kỳ đầu.

Liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài để cùng phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng từng ví “doanh nghiệp FDI như một con ong”. Bởi vì, khi con ong đi hút mật không chỉ đảm bảo sự sinh tồn của nó mà nó còn làm thêm một động tác là thụ phấn để đơm hoa, kết trái. Nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, khi họ đầu tư phải có lợi ích, mang lại hiệu quả và việc họ vào đầu tư là một cách gián tiếp đóng góp cho nền kinh tế, tạo nguồn vốn, việc làm, các giá trị cho nền kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị và nông thôn, …

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong 30 năm thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thứ nhất, khu vực có vốn FDI có nguồn lực quan trọng, nhưng doanh nghiệp trong nước mới là quyết định. Bởi vì, hiện nay vốn của khu vực FDI chỉ mới chiếm 25% của tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong khi đó nguồn lực trong nước được đánh giá có vai trò hết sức quan trọng. Do vậy, chúng ta phải tập trung phát triển các doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để giải phóng sức sản xuất và khai thông các nguồn lực, phát huy các nguồn lực trong nước. Đây là bài học hết sức quan trọng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa khu vực FDI với khu vực doanh nghiệp trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp. Đây là những bài học quan trọng để xác định định hướng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với khu vực có vốn FDI trong thời gian tới.

Qua hơn 30 năm đổi mới, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đạt được có sự đóng góp quan trọng của FDI với nguồn vốn thực hiện đạt khoảng 170 tỷ USD, góp phần vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo nguồn vốn đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách và chuyển giao công nghệ,… Trong khi đó, hiện nay sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục có các chính sách để hỗ trợ và tiếp tục coi đầu tư FDI là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam.

Qua chặng đường 30 năm thu hút FDI, Việt Nam phải nhìn lại quá trình đó để xem xét, đưa ra các tiêu chí đánh giá hiệu quả của FDI về chất lượng, tính bền vững, giá trị được tạo ra… để tiếp tục ban hành chính sách thu hút FDI phù hợp hơn trong thời gian tới. Chúng ta phải xác định rõ những vấn đề mà khu vực FDI còn tồn tại, hạn chế là do thể chế, chính sách hay do khâu tổ chức thực thi. Nếu xác định được nguyên nhân chúng ta sẽ phải đưa ra được giải pháp và điều chỉnh lại để quản lý chặt chẽ hơn và có những “bộ lọc”, đảm bảo phù hợp với định hướng thu hút FDI của chúng ta trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Làm thế nào để phát triển doanh nghiệp phụ trợ và liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là câu hỏi lớn luôn được đặt ra với các hiệp hội, các tổ chức, các nhà đầu tư. Nhưng thực tế cho thấy, tiêu chuẩn, trình độ của doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước hiện đang khác xa nhau. Điều này khiến các doanh nghiệp khó có thể kết nối được với nhau. Vì vậy, quan điểm nâng cao hiệu quả thu hút FDI, chú trọng chuyển giao công nghệ, trình độ quản lý và thị trường tiêu thụ sản phẩm; Chủ động lựa chọn các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt phải liên kết với doanh nghiệp trong nước... nhưng quan trọng hơn là chúng ta phải hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển. Khi các doanh nghiệp trong nước phát triển và tiệm cận được với tiêu chuẩn, trình độ doanh nghiệp FDI thì tự khắc các doanh nghiệp này sẽ liên kết được với nhau. Chúng ta đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và trong thời gian tới, xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và xây dựng chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện lớn mạnh, tham gia được sân chơi chung và liên kết được với các doanh nghiệp FDI.

Về vấn đề mua bán sáp nhập trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục tạo môi trường và cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam mua lại các doanh nghiệp có vốn FDI. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có được công nghệ, đổi mới, nâng cấp công nghệ để tham gia vào các chuỗi giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, cần tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Là người gắn bó với công tác đầu tư nước ngoài trong suốt 30 năm và trải qua tất cả các khâu quan trọng liên quan đến quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có rất có nhiều ý tưởng đổi mới để phát huy hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển kinh tế đất nước. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ cảm ơn tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đã đến đầu tư và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách về thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn để đồng hành cùng các nhà đầu tư. Từ đó, góp phần thu hút ngày càng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển./.

 

Tùng Linh

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.334.072
Truy cập hiện tại 1.939 khách