Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

9.163 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 9 năm 2018
Ngày cập nhật 03/10/2018

(MPI) – Theo Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 9/2018, số doanh nghiệp được thành lập mới là 9.163 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 84.783 tỷ đồng, giảm 21,4% về số doanh nghiệp và giảm 21,2% về số vốn đăng ký so với tháng 8/2018, so với cùng kỳ năm 2017, tăng 6,4% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về số vốn đăng ký.

Trong tháng 9/2018, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng 8/2018. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 85.052 lao động, giảm 23,5% so với tháng 8/2018, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trên cả nước là 2.695 doanh nghiệp, giảm 7,5% so với tháng 8/2018, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.857 doanh nghiệp, giảm 5,3%, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 8.456 doanh nghiệp, tăng 98,7%, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2.401 doanh nghiệp, tăng 69,0% so với tháng 8/2018.

Trong 9 tháng năm 2018, cả nước có 96.611 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 963.411 tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký. Riêng trong quý III/2018, cả nước có 32.080 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 15% so với quý II/2018 và giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 10,0 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 819.742 lao động, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2017. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 22.897 doanh nghiệp, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.845.331 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2017, bao gồm: 936.411 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017) và 1.881.920 tỷ đồng (tăng 51,6%) thông qua 32.144 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động (tăng 16,6%).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp theo lĩnh vực hoạt động, trong 9 tháng năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2017 ở 10 ngành, trong đó, nổi bật có ngành kinh doanh bất động sản tăng 41,6%, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 26,6%, tài chính, ngân hàng... Các ngành nghề có số doanh nghiệp đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2017 là: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí giảm 12,8%, vận tải kho bãi giảm 11,3%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 10,0%...

Về số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, các ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất là kinh doanh bất động sản có 282.100 tỷ đồng, chiếm 29,3% trên tổng số vốn đăng ký; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 146.678 tỷ đồng, chiếm 15,2%; xây dựng có 134.011 tỷ đồng, chiếm 13,9%, công nghiệp chế biến, chế tạo có 107.112 tỷ đồng, chiếm 11,1%.

Xét tổng thể, trong 9 tháng năm 2018, một số ngành đang có xu hướng tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng mạnh trong tất cả các tiêu chí, đó là: Kinh doanh bất động sản, sản xuất phân phối điện, nước, gas, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội...

Việc gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động trong 9 tháng năm 2018 chịu sự tác động của các yếu tố khách quan, chủ quan đối với doanh nghiệp cũng như quy luật vận động của nền kinh tế thị trường. Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn nhiều hạn chế về năng lực nội tại (thiếu tầm nhìn chiến lược; năng lực quản trị kém, thiếu tư duy về thị trường; trình độ ứng dụng khoa học công nghệ thấp; thiếu tính đổi mới sáng tạo trong sản phẩm...).

Môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Những kết quả cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, như: Quy định pháp lý về đầu tư, kinh doanh vẫn còn những chồng chéo, bất cập, quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực như tín dụng, đất đai...

Theo kết quả một khảo sát thuộc dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận tín dụng, thông qua nâng cao năng lực quản trị và minh bạch hoạt động tài chính" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI thực hiện trong năm 2018 cho thấy tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn đến từ cả phía doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng...

Trong mọi nền kinh tế thị trường luôn có một tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp bị giải thể, phá sản... Theo đó, những doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế năng động, đang có nhiều triển vọng, khoa học công nghệ không ngừng phát triển như hiện nay thì sức ép đối với doanh nghiệp càng lớn, tính cạnh tranh càng thể hiện rõ rệt.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến về số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là do việc triển khai công tác rà soát đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động tại trụ sở từ lâu nhưng không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh. Từ tháng 4/2018 đến nay, các địa phương trên cả nước đang tích cực triển khai công tác rà soát nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động, sau khi rà soát, những doanh nghiệp đó được chuyển sang tình trạng chờ giải thể./.

 

Mai Phương

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.334.072
Truy cập hiện tại 1.798 khách