Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Nguyễn Thái Sơn, UVTV, Trưởng ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh; PGS.TS Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan và 180 nhà khoa học nữ tiêu biểu đang công tác tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Mở đầu buổi gặp mặt, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt đến tất cả phụ nữ toàn tỉnh Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10; đồng thời biểu dương các nhà khoa học nữ của tỉnh đã có những cống hiến xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, làm rạng danh và góp phần rất lớn cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh được triển khai khá mạnh mẽ. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm hàng hóa và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.Tuy nhiên, bên cạnh việc nghiên cứu khoa học, những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đúng mức. Đây không chỉ là một đòi hỏi trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà cần phải có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm phát huy giá trị sáng tạo qua kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Tại buổi gặp mặt, có rất nhiều ý kiến của các nữ nhà khoa học đã trăn trở về làm thế nào để đưa các kết quả nghiên cứu của mình được ứng dụng vào hiện thực đời sống xã hội và phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa thương mại phục vụ cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề xuất với tỉnh cần có cơ chế, chính sách và xây dựng quỹ khoa học công nghệ để phát triển các giai đoạn tiếp theo của các đề tài nghiên cứu khoa học khi đã có kết quả thử nghiệm cũng như làm sao thu hút được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh cần đặt hàng đối với các đề tài nghiên cứu thiết yếu, không nên dàn trải mà cần đầu tư tập trung; đối với các sản phẩm cần thương mại hóa cần phải thu hút các doanh nghiệp tham gia để vừa huy động nguồn vốn vừa bảo vệ và phát huy được quyền tài sản trí tuệ. Qua đó mới phát huy tinh thần sáng tạo và nghiên cứu khoa học của đội ngũ các nhà khoa học vào sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương Thừa Thiên Huế; đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.