Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Di dời dân cư khu vực 1 kinh thành Huế: Nguyện vọng chính đáng của bà con, trách nhiệm của chính quyền các cấp
Ngày cập nhật 30/10/2018

Chiều 26/10, phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ thay mặt cử tri Thừa Thiên Huế chân thành cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh (vào chiều 24/10/2018) và đã đồng tình cao về chủ trương di dời dân cư đang sinh sống tại Khu vực 1 kinh thành Huế; đồng thời,đã chỉ đạo một số chủ trương liên quan công tác di dời, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ hệ trọng, liên quan cả một cộng đồng dân cư, quy mô vốn lớn, vì vậy ông Phan Ngọc Thọ xin thay mặt lãnh đạo tỉnh báo cáo nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội.

Thời cơ chín muồi

Mở đầu, ông Phan Ngọc Thọ cho biết, quần thể Di tích Cố đô Huế hiện đang phải đương đầu với những tác động của thời gian, khí hậu và đặc biệt là những tác động phát sinh hằng ngày từ hoạt động của dân cư đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế. Quá trình lịch sử do di dân trong thời gian chiến tranh giai đoạn 1945 - 1975, di dân từ vùng nông thôn vào thành thị và gia tăng dân số tự nhiên đã hình thành khu dân cư sinh sống trên di tích Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ thành hào và các công trình di tích thuộc Khu vực I Kinh thành Huế.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh trăn trở, do sống trên di tích nên hầu hết các hộ này không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, đất ở không hợp pháp, nhiều hộ phải làm nhà trên mặt nước tại các hồ, hào, vì vậy nhà ở các hộ dân sống tại khu vực này không được xây dựng, sửa chữa lớn; các hộ dân sống ở đây chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, đa phần là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp với điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, cảnh quan đô thị, xâm phạm nghiêm trọng đến di sản văn hóa.

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và kinh phí của địa phương đã từng bước di dời dân cư để trả lại mặt bằng cho di tích, giai đoạn 1996 - 2018 đã di dời được 1.050 hộ dân, hiện nay tại Khu vực I các di tích Kinh thành Huế còn khoảng 4.200 hộ sinh sống.

Nếu nói cuộc sống hàng ngàn con người này tạo ra áp lực lớn đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo Kinh thành Huế thì cũng phải thấy rằng chính người dân nơi đây đang phải sống vô cùng chật vật, khó khăn khi gắn cuộc đời với một công trình di tích quan trọng đặc biệt của Quốc gia. Mong ước của nhiều thế hệ ở đây là tìm kiếm một cơ hội, một cuộc đổi đời về nơi sinh sống trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được. Qua các lần tiếp xúc với chính quyền các cấp, bà con cử tri bộc bạch mong muốn sớm được di dời, nhiều bà con cảm thấy có lỗi với tiền nhân khi phải sống trên di tích nhưng do hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế nên không thể di dời. Nguyện vọng của bà con cử tri đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành Huế thiết tha sớm được di dời, hỗ trợ tái định cư nhằm ổn định lâu dài, an cư lạc nghiệp, trả lại đất cho di tích.

Thấu hiểu nguyện vọng người dân, lo lắng của chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương cho tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân đang sinh sống tại Khu vực I Kinh thành và giao cho Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện. Đến nay, UBND tỉnh đã xây dựng cơ chế, đề án trình Thủ tướng và các Bộ, ngành chức năng.

Phương án di dời dân cư có khoảng 4.200 hộ đang sinh sống trong Khu vực I Kinh thành Huế thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, kinh phí cần Trung ương hỗ trợ để bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.800 tỷ. Trong giai đoạn 2019 - 2021 sẽ di dời 2.938 hộ với kinh phí khoảng 1.900 tỷ đồng, bình quân 600 - 650 tỷ/năm.

Kinh phí di dời dân cư nêu trên là rất lớn đối với địa phương, quỹ đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ phục vụ trùng tu di tích, không thể chuyển đổi sang mục đích khác, ngoài ra địa phương phải tự huy động các nguồn vốn khoảng 1.300 tỷ để triển khai tái định cư sẵn sàng cho di dời bà con.

Đối với Thừa Thiên Huế, đây là cuộc di dân có tính lịch sử, chưa bao giờ công tác giải phóng mặt bằng lại có được thời điểm thuận lợi như hiện nay đó là xuất phát từ nguyện vọng, sự đồng thuận cao của các hộ dân thuộc đối tượng di dời, sự chỉ đạo tâm huyết của Thủ tướng và các Bộ, ngành, sự quan tâm của các cơ quan Quốc hội, sự sẵn sàng với trách nhiệm cao của các cấp chính quyền.

Ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, việc di dân đã chín muồi, cử tri đang mong đợi quyết sách của Quốc hội, của Chính phủ về cơ chế, chính sách để có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện chủ trương mang tính lịch sử này.

Gắn kinh tế số với xây dựng đô thị thông minh

Thảo luận về kinh tế- xã hội Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thống nhất cơ bản nội dung báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 và nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2019. “Cử tri cả nước vui mừng với những dự báo về các chỉ tiêu sẽ đạt được của kinh tế - xã hội trong năm 2018, đây là kết quả của sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự giám sát có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, sự đồng thuận vào cuộc tích cực của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh”- Ông Phan Ngọc Thọ nói. Đồng thời đóng góp ý kiến về thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển đô thị thông minh.

Về vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số, theo ông Phan Ngọc Thọ, chuyển đổi số mà nền tảng là kinh tế số và xã hội số đang là nhu cầu tất yếu và cũng là thách thức của quá trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; nhất là khi chúng ta đã có bước tiến quan trọng, cơ bản về tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do VN-EU.

“Để thực hiện những nhiệm vụ này, đề nghị Chính phủ sớm xây dựng chiến lược chuyển đổi số quốc gia trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất. Xây dựng chuyển đổi số cho từng ngành, lĩnh vực, từng sản phẩm và ở mọi cấp độ nhằm phục vụ quá trình phát triển và hiện đại hóa phương thức quản trị xã hội, quản trị nền kinh tế, tạo nền tảng cơ sở vững chắc cho hoạt động, vận hành Chính phủ điện tử” – Trưởng đoàn ĐBQH Thừa Thiên Huế nói.

Về phát triển đô thị, theo đại biểu, việc kết nối đô thị theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống, kết nối cơ sở hạ tầng của các vùng kinh tế lân cận là một cách làm mang tính bền vững cần được xác định là động lực cho sự phát triển KT-XH và nâng cao đời sống của người dân.

Phát triển đô thị sẽ tạo cơ hội việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao tỷ lệ nghề phi nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần được xác định là một mục tiêu quan trọng trong phát triển, để từ đó có các giải pháp đồng bộ và tổng thể thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh.

“Đề nghị Chính phủ rà soát các quy định liên quan đến đấu thầu, đấu giá các dự án phát triển đô thị, dự án liên quan đất đai để hoàn thiện khung pháp lý để đầu tư phát triển đô thị, tiếp cận đất đai, tạo thuận lợi huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển đô thị.Hiện nay ở các địa phương đang trong tình trạng lúng túng khi quyết định đầu tư, chọn nhà đầu tư phát triển đô thị đó là: Không làm thì mất cơ hội phát triển; Làm thì nguy cơ sai sót do có sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai”- ông Phan Ngọc Thọ đề xuất.

 

 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.333.672
Truy cập hiện tại 121 khách