Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin. Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học xuống chiến trường Việt Nam. Trong đó, vùng rừng núi của các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế... là những địa phương chịu nhiều tổn thất về sức khỏe con người và môi trường sinh thái, đặc biệt là tại khu vực Ahso của huyện Alưới… Mặc dù cuộc chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng nỗi đau do di chứng chất độc hóa học da cam/dioxin để lại vẫn còn nặng nề về tinh thần và vật chất cho biết bao gia đình…
Triển lãm chuyên đề “Da cam - Lương tri và công lý" đã giới thiệu hơn 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến thảm họa chất độc da cam/dioxin, được trưng bày thành 04 phần gồm: Thảm họa da cam - Nỗi đau da cam; Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; Hoạt động của VAVA (Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam) và hành trình đi tìm công lý và Những tấm gương vượt khó vươn lên.
Các hình ảnh, hiện vật đã khắc họa rõ nét hơn về tác hại của chiến tranh hóa học. Từ đó kêu gọi cộng đồng xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời thông qua triển lãm nhằm tuyên truyền sâu rộng cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ gây ra.
Triển lãm diễn ra từ ngày 25/10 - 25/11/2018 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế.
Các đại biểu tham quan triển lãm
Một số hình ảnh tại Triển lãm: