Tìm kiếm

 
 

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước
Ngày cập nhật 09/11/2018

(MPI) - Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, ngày 06/11/2018, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cùng đại diện các doanh nghiệp nhà nước, định chế tài chính, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và một số đơn vị báo chí truyền thông.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Với sự ra đời của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 và nay là Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án: “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Qua hơn 20 năm cải cách không ngừng, số lượng DNNN từ hơn 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 90, đã giảm đáng kể xuống còn 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Dự kiến, đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng hơn 100 DNNN.

Từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 136 DNNN trong đó đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn, như: Tập đoàn Cao su Việt Nam, các Tổng công ty như Phát điện 3, Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí Việt Nam, Lọc hóa dầu Bình Sơn ...và đã trở thành những điểm sáng khi mà số lượng cổ phiếu IPO đều được bán hết, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 10/2018 đã có các thương vụ lớn như thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Công ty cổ phần Sữa Vinamilk... đã thu về gần 160.000 tỷ đồng (gấp hơn 9 lần giá trị sổ sách).

Mặc dù vậy, Việt Nam chưa thể hài lòng với những kết quả đã đạt được, hiệu quả hoạt động của DNNN so với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác vẫn luôn luôn là một chủ đề được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang được giao quản lý và sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư, một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm, vẫn chưa đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Vai trò của DNNN đối với nền kinh tế tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Theo đó, DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Do đó, trong thời gian tới, cổ phần hóa, thoái vốn vẫn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu DNNN... Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN thời gian tới đặt ra vô cùng nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt, đột phá hơn để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, quá trình đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả DNNN là mục tiêu lớn, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và đã diễn ra từ nhiều năm nay và đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với con số 55 DNNN cổ phần hóa năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), với tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198 nghìn tỷ đồng (năm 2016 là 30 nghìn tỷ, năm 2017 là 140 nghìn tỷ đồng, năm 2018 là 28 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, công cuộc cải cách DNNN nhất là cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước triển khai chậm. Quá trình cổ phần hóa DNNN còn nhiều hạn chế, tiêu cực và có một số khó khăn, vướng mắc, thể chế chậm được giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản.

Tại Diễn đàn, các đại biểu chia sẻ, cùng nhìn nhận, phân tích đánh giá một cách thẳng thắn có cơ sở khoa học và thực tiễn về quá trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN. Đồng thời, Diễn đàn là cơ hội thảo luận và đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách DNNN trong thời gian tới./.

 

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 13.333.092
Truy cập hiện tại 67 khách