Phát biểu khai mạc hội nghị, Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sự phát triển kinh tế xã hội, sự gia tăng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, trong đó có hồ chứa (thủy điện, thủy lợi) đã và đang đặt ra rất nhiều vấn đề thách thức, khó khăn mới cho công tác chỉ đạo điều hành liên hồ chứa để đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Tại hội nghị lần này sẽ tập trung làm rõ 3 nội dung chính gồm: Đánh giá cụ thể những kết quả đã và đang đạt được về công tác vận hành liên hồ chứa; Làm rõ các nguyên nhân, các tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, nhất là trách nhiệm của chủ hồ chứa; Đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để điều hành hệ thống liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng nguồn nước, đặc biệt là giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao khả năng dự báo, tính toán dòng chảy và xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó vùng hạ du sát với thực tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, địa phương đang triển khai dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA tài trợ để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hội nghị lần này, tỉnh Thừa Thiên Huế có một số đề xuất, kiến nghị. Cụ thể: Đối với những năm hạn hán, thiếu hụt nguồn nước, để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam không huy động các nhà máy thủy điện tham gia thị trường điện để ưu tiên nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp và dòng chảy môi trường; không thực hiện chế tài xử phạt đối với các nhà máy thủy điện do mất cân đối nguồn nước tự nhiên. Việc triển khai xây dựng các kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lũ hạ du cho toàn bộ lưu vực sông Hương do sự cố vỡ đập rất phức tạp, kinh phí lớn, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ tỉnh chỉ đạo các chủ đập phối hợp với địa phương để bố trí kinh phí và chọn tư vấn đủ năng lực thực hiện. Các chủ đập quan tâm đầu tư các thiết bị quan trắc, bố trí và đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực để vận hành các hồ chứa thủy điện theo quy định. Đề nghị Tổng cục Khí tượng Thủy văn quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo, dự báo phục vụ vận hành hồ.
Hội nghị cũng đã được nghe nhiều giải pháp, bài học kinh nghiệm vận hành, trị thủy tại Nhật Bản; Công tác phối hợp trong vận hành hồ chứa thủy điện của một số địa phương; Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về kiến thức; kỹ năng về công tác ứng phó bão, lũ.
Tại hội nghị