Ươm tạo khởi nghiệp
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm vườn ươm của Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư cộng hưởng; Vườn ươm Công nghệ thông tin (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế); Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (Đại học Huế); Trung tâm hỗ trợ chuyển giao KHCN và khởi nghiệp (Liên hiệp các hội KHKT). Đây là địa chỉ để phát triển ý tưởng kinh doanh, kỹ năng cố vấn khởi nghiệp cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Một trong những địa chỉ hoạt động có hiệu quả phải kể đến Đại học Huế. Chỉ tính riêng năm 2018, ĐH Huế đã có hàng loạt ý tưởng, dự án khởi nghiệp đạt giải, đơn cử như dự án Leafpic-Pro phần mềm xác định thiếu thừa đạm trên cây trồng cho smartphone (đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh); Bản đồ đặc sản Việt Nam – VNSpecial (giải B cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và giải ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên), ứng dụng CNTT để phục hồi chức năng (cuộc thi Starup! Ý tưởng khởi nghiệp của Tổ chức ĐH Pháp ngữ), Cầu nối trải nghiệm văn hóa bản địa với nghệ nhân” (cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ĐH Huế)…
Khai trương hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đại học Huế
Vào ngày 24/12 vừa qua, Đại học Huế cũng đã tổ chức lễ khai trương hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đại học Huế, hình thành một không gian làm việc chung để ươm tạo, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết, trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là việc làm cần thiết và mang ý nghĩa quyết định. Trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường Đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Các trường Đại học mạnh phải là các chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất trí thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp.
Hỗ trợ khởi nghiệp
Sau khi Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được diễn ra mạnh mẽ và đã nhận được sự quan tâm từ cộng đồng. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sánh hỗ trợ như: Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025; Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Theo kế hoạch thì trong giai đoạn 2017-2020, Tỉnh sẻ Hỗ trợ phát triển ít nhất 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 15 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 03 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị khoảng 3 tỷ đồng. Đến năm 2025: Hỗ trợ phát triển ít nhất 40 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 25 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 10 doanh nghiệp gọi được vốn đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị khoảng 10 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung cho biết, hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là việc riêng của một cá nhân, nhóm cá nhân hay một đơn vị mà đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan. Đó là các cơ quan nhà nước tạo dựng môi trường và các chính sách thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp; là các trường đại học, cao đẳng nơi triển khai và cung cấp các kết quả nghiên cứu cần được thương mại hóa; là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp thành đạt sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp non trẻ hơn; là các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp giúp tư vấn, đào tạo, ươm tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng khởi nghiệp… Sự vào cuộc đồng bộ và kết nối các bên liên quan là điều cốt lõi để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Trong thời gian tới, Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tạo lập môi trường thuận lợi để hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy và nâng cao chất lượng, tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung nhấn mạnh.